Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2023

Ngày 26/10, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã khai mạc Hội nghị - Hội thảo - Tập huấn ngành Di sản văn hóa năm 2023 và Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa”. Sự kiện diễn ra tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. 

ba-hien-phat-bieu-1698400904.jpg
Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền phát biểu. Ảnh: Cục Di sản văn hóa

Với gần 20 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và 22 ý kiến từ các địa phương, rất nhiều ý kiến đã được trao đổi, thảo luận, chia sẻ trực tiếp tại diễn đàn từ các đại biểu, đã tập trung thảo luận về những vấn đề đang đặt ra trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và chủ đề chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa; Tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; hoạt động kiểm kê, xếp hạng, ghi danh di sản và vấn đề bảo vệ, phát huy giá trị sau khi di sản được ghi danh; vấn đề khai thác, sử dụng di sản văn hóa để phục vụ thương mại, dịch vụ, du lịch và phát triển công nghiệp văn hóa; vấn đề hợp tác công tư trong lĩnh vực di sản văn hóa...

Tập huấn và Hội thảo ngành Di sản văn hóa được tổ chức thường niên với mục tiêu không ngừng nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo về hành lang pháp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyên môn, bám sát tình hình thực tế nhằm nâng cao hiệu quả trong việc triển khai các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Bên cạnh đó, những kết quả thu được từ Tập huấn và Hội thảo sẽ là căn cứ và cơ sở thực tiễn quan trọng cho việc đề xuất, hoàn thiện chính sách về di sản văn hóa trong thời gian tới.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 08 di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, 15 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh, 09 di sản tư liệu thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, 128 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; 265 hiện vật và nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia; 3.621 di tích quốc gia, 11.232 di tích cấp tỉnh; trên 40.000 di tích đã được kiểm kê; 498 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; hệ thống bảo tàng Việt Nam với 196 bảo tàng (gồm 127 bảo tàng công lập và 69 bảo tàng ngoài công lập) lưu giữ và trưng bày trên 4 triệu tài liệu, hiện vật, trong đó có nhiều sưu tập đặc biệt quý hiếm.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền khẳng định, kết quả nêu trên đạt được từ sự cố gắng, nỗ lực của toàn ngành, cả trong công tác quản lý nhà nước và hoạt động phát triển sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa, trực tiếp góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên bình diện quốc tế.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa trong thời gian tới, Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền nêu đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm toàn ngành tập trung triển khai tốt trong thời gian tới như: Tiếp đó, tập trung vào công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về di sản văn hóa, đặc biệt là việc xây dựng Luật Di sản văn hoá (sửa đổi), tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa được triển khai hiệu quả trên thực tế; Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện nội dung phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương. Chủ động nắm bắt các thông tin phản ánh trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến lĩnh vực di sản văn hóa.

tap-huan-di-san-van-hoa-1698400987.jpg
Quang cảnh buổi Tập huấn. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Tháo gỡ các rào cản chính sách, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, khai thác các nguồn tài nguyên văn hóa và khuyến khích sự tham gia tích cực của xã hội, tạo động lực phát huy "sức mạnh mềm", nội sinh của văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch và đóng góp tích cực trong phát triển các ngành công nghiệp văn hoá.

Tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2030. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tư liệu hóa hệ thống tài liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa.

Tích cực và chủ động hội nhập, hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ nguồn lực, học hỏi kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của các quốc gia trên thế giới, theo kịp với xu hướng bảo tồn gắn kết với phát triển bền vững của quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Tham gia một cách hiệu quả vào các tổ chức của UNESCO giúp quảng bá giá trị di sản văn hoá Việt Nam và nâng cao uy tín của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đổi mới tư duy đội ngũ công chức, viên chức trong ngành về vị trí, vai trò và định hướng phát triển sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Hội thảo khoa học Chủ đề “Chuyển đổi số trong lĩnh vực di sản văn hóa” được trình bày riêng theo 03 lĩnh vực: Lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, lĩnh vực di tích và lĩnh vực bảo tàng và di sản tư liệu.

T.H