Sử dụng từ ngữ rõ ràng, cụ thể khi xây dựng các quy định pháp luật về quảng cáo

Các đại biểu tham dự Hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cho rằng, cần bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể trong việc sử dụng từ ngữ khi xây dựng các quy định pháp luật về quảng cáo. Trường hợp không thể cụ thể hóa trong luật thì phải có quy định chuẩn rõ ràng để tránh tình trạng một khái niệm được hiểu theo các nghĩa khác nhau.

Hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là một phần của Hội thảo lấy ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực văn hóa cơ sở do Cục Văn hóa cơ sở (VHCS) phối hợp Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) Đà Nẵng tổ chức ngày 31/3 tại TP. Đà Nẵng.

691-1680357493.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Hoạt động quảng cáo ngoài trời: Quy định còn mang tính định tính

Phát biểu tại hội thảo, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng cho biết, khi Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013, Sở VHTT Đà Nẵng đã phổ biến, tuyên truyền luật thông qua nhiều hình thức: cổ động trực quan; thông báo trực tiếp đến người dân và doanh nghiệp; cập nhật tin, bài trên các trang thông tin của thành phố và Sở… Tuy nhiên, hoạt động quảng cáo còn một số bất cập về quy hoạch quảng cáo, công tác cấp phép và công tác xử phạt.

Sở VHTT Đà Nẵng đề xuất Bộ VHTTDL sớm ban hành quy định hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định chi tiết đối với dự án phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về xã hội hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 16 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP. Trong đó, hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục đấu thầu cho thuê các vị trí quảng cáo ngoài trời theo quy hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp thấy cần thiết, đề nghị sửa đổi theo hướng áp dụng hình thức đấu giá đối với các vị trí quảng cáo này.

Cùng với đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo theo hướng quy định cụ thể về thời gian thực hiện quảng cáo đối với phương tiện bảng quảng cáo, đoàn người thực hiện quảng cáo; hướng dẫn công tác quản lý bảng quảng cáo trên màn hình điện tử, tránh trường hợp để xảy ra vi phạm mới khắc phục hậu quả.

Có phương án xây dựng nghiên cứu, điều chỉnh và hướng dẫn chi tiết hơn về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với phương tiện quảng cáo ngoài trời để phù hợp hơn với thực tiễn công tác quản lý, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp.

692-1680357493.jpg
Ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Theo lãnh đạo Sở VHTTDL Cần Thơ, địa phương này cũng gặp bất cập trong triển khai thực hiện Luật Quảng cáo đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời. Điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 quy định về nội dung quảng cáo không trái với văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam, quy định này còn mang tính định tính.

Vì vậy, cơ quan quản lý nhà nước đôi lúc gặp khó khăn trong việc thống nhất nội dung sản phẩm quảng cáo, do có nhiều cách hiểu và thực hiện khác nhau của các doanh nghiệp và cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo. Trong trường hợp sản phẩm không đúng với thông tin trong quảng cáo, không đạt yêu cầu về chất lượng, sai công dụng làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng… thì trách nhiệm của người đại diện thương hiệu sẽ bị xử lý như thế nào, vấn đề này chưa được quy định trong pháp luật quảng cáo hiện nay.

Sở VHTTDL Cần Thơ đề xuất các giải pháp nhằm tháo gỡ, hoàn thiện pháp luật về quảng cáo như: Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về quảng cáo; kịp thời triển khai, hướng dẫn thực hiện đối với các quy định mới có liên quan về hoạt động quảng cáo.

Kịp thời tổng hợp những vướng mắc, bất cập từ các địa phương, từ đó rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật còn vướng mắc, bất cập trong hoạt động quảng cáo hiện nay để hoàn thiện pháp luật, tránh tình trạng chồng chéo giữa các quy định.

Thường xuyên thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm đối với hoạt động quảng cáo, kiểm soát nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt trên các phương tiện. Đồng thời, cần có những biện pháp, chế tài xử lý phù hợp để hạn chế tình trạng quảng cáo trên mạng xã hội đối với những trường hợp quảng cáo không đúng, sai sự thật, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn.

Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động quảng cáo trong bối cảnh hiện nay; quan tâm công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực cho đội ngũ quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo; hoàn thiện công tác thống kê, thông tin cập nhật tình hình quảng cáo chặt chẽ hơn nữa.

693-1680357493.jpg
Đại diện Sở VHTT các tỉnh, thành trên cả nước tham dự hội thảo.

Quảng cáo trên mạng xã hội: Khó khăn về pháp lý và xử phạt

Theo đại diện Sở VHTT TP. HCM, hình thức quảng cáo trên mạng xã hội ngày càng phổ biến và nảy sinh nhiều bất cập, nhưng hiện nay việc quản lý chỉ đang tập trung vào công tác hậu kiểm, xử lý vi phạm về nội dung quảng cáo trên mạng internet, mà chưa có kế hoạch, chiến lược quản lý, phát triển đối với loại hoạt động quảng cáo này.

Có nhiều khó khăn về vấn đề pháp lý và xử phạt vi phạm trong công tác quản lý hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội như: việc xác định chủ thể quảng cáo, địa điểm thực hiện hành vi để làm việc, xử lý vi phạm theo thẩm quyền do người thực hiện quảng cáo trên không gian mạng thường là cá nhân, không có tên thật, địa chỉ không rõ ràng; không có cơ sở dữ liệu về việc cấp phép quảng cáo hoặc nội dung cho phép quảng cáo (thông tin, hình ảnh, video) để làm cơ sở xử lý hành vi vi phạm.

TPHCM cũng gặp khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời. Lãnh đạo Sở VHTT TPHCM lý giải: Do tính đặc thù của địa phương này cùng với những thay đổi về mặt pháp luật (Luật Quy hoạch) và sự chồng chéo giữa các quy định, nên nhiều năm qua TPHCM chưa ban hành được Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn, làm trở ngại, khó khăn trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời và chưa tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển bền vững.

694-1680357493.jpg
Đại diện Sở VHTT TP.HCM phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động quảng cáo

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL), cho rằng sau hơn 10 năm thực hiện, Luật Quảng cáo đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc cải thiện môi trưởng kinh doanh, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động quảng cáo.

Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, bất cập trong hoạt động quảng cáo, như sự cân bằng các yếu tố văn hóa - kinh tế trong hoạt động quảng cáo; sự thích ứng của các doanh nghiệp quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản là việc xây dựng, ban hành, thực thi Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành luật chưa hoàn chỉnh, đồng bộ, chưa theo kịp những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách đang đặt ra…

695-1680357493.jpg
Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Bà Hương cho biết: Tại hội thảo lần này, các ý kiến đều thống nhất với nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo. Theo đó, cần bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể trong việc sử dụng từ ngữ khi xây dựng các quy định pháp luật về quảng cáo. Trường hợp không thể cụ thể hóa trong luật thì phải có quy định chuẩn rõ ràng để tránh tình trạng một khái niệm được hiểu theo các nghĩa khác nhau.

Cần rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định thống nhất giữa Luật Quảng cáo và Luật Thương mại (Khoản 3 Điều 7 của Luật Quảng cáo và Khoản 4 Điều 109 Luật Thương mại; Khoản 9 Điều 8 Luật Quảng cáo và Khoản 7 Điều 109 Luật Thương mại).

Bổ sung những quy định cụ thể nhằm tăng trách nhiệm của các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc đưa những sản phẩm quảng cáo qua các phương tiện truyền thông đại chúng và qua Internet đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền được tiếp cận thông tin trung thực, chính xác đối với người xem, người nghe cũng như bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động quảng cáo giữa các cơ quan báo chí và việc quảng cáo trên nền tảng Internet.

Bổ sung quy định trách nhiệm của người ký hợp đồng làm đại diện thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đối với nội dung quảng cáo sản phẩm mà họ đại diện; của chủ phương tiện, địa điểm cho thuê quảng cáo và chế tài xử phạt.

Sửa đổi, bổ sung các quy định tại khoản 4, Điều 20 về điều kiện quảng cáo đối với từng loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt phù hợp với hệ thống văn bản pháp luật chuyên ngành mới ban hành.

Bổ sung quy định được tái thực hiện việc thu lệ phí quảng cáo theo quy định của pháp luật, qua đó nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo và kinh phí bù đắp cho việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước, công tác hậu kiểm.

696-1680357493.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Đức Hoàng

Bên cạnh đó, các ý kiến tập trung đề xuất sửa đổi về thủ tục hành chính trong Luật Quảng cáo, chẳng hạn sửa đổi và bổ sung các quy định để bảo đảm phù hợp với thực tế như: quy định cụ thể về thời gian thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, đoàn người quảng cáo và màn hình chuyên quảng cáo, quy định cụ thể về thành phần hồ sơ đối với việc thông báo đoàn người thực hiện quảng cáo và bỏ quy định quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn, bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo (đối với biển hiệu, bảng quảng cáo tấm nhỏ tại các cửa hàng, đại lý) quy định tại khoản 6 , khoản 7, Điều 29 của Luật Quảng cáo.

Sửa đổi, bổ sung điều 18, Luật Quảng cáo (đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng nội dung thể hiện bằng tiếng Việt trong các sản phẩm quảng cáo sử dụng tên riêng bằng tiếng nước ngoài hoặc các từ ngữ chưa được quốc tế hóa)…

Tại hội thảo, bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trình bày tóm tắt về nội dung Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quảng cáo. Ông Nguyễn Quốc Huy, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở trình bày dự thảo Nghị định quy định khung tiêu chuẩn, quy trình xét tặng danh hiệu "Gia đình Văn hóa", "Thôn, tổ dân phố văn hóa", "Xã, phường, thị trấn tiêu biểu". Các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào hai nội dung trên.