Quảng Trị - Điểm đến của ký ức, khát vọng hòa bình

Từ ngày 23 đến hết ngày 27/7, tại Quảng Trị sẽ diễn ra nhiều sự kiện văn hóa ý nghĩa do Viện Phim Việt Nam phối hợp cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Ngoại vụ và các đơn vị liên quan tổ chức nhằm lan tỏa các giá trị di sản tư liệu hình ảnh động, hướng tới khát vọng hòa bình và giá trị nhân văn cao cả. Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2022).

Triển lãm "Quảng Trị - Điểm đến của ký ức" diễn ra từ ngày 23 đến 27/7 tại Trung tâm Trưng bày hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn tỉnh Quảng Trị, Trung tâm Phục vụ Đối ngoại, đường Nguyễn Cơ Thạch, Đông Hà, Quảng Trị. Dự kiến khai mạc triển lãm sẽ có sự hiện diện của các cựu chiến binh, phóng viên và nhà quay phim chiến trường, nhà nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu điện ảnh…

Triển lãm trưng bày khoảng 200 bức ảnh, áp phích và hiện vật về Quảng Trị qua góc nhìn của các nhiếp ảnh gia trong nước và quốc tế theo các chủ đề: Hồi ức Quảng Trị, Đoàn kết quốc tế vì Quảng Trị; Hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh tại Quảng Trị; Quảng Trị - Điểm đến an toàn và thân thiện.

Sự kiện tiếp theo là "Hội thảo Quảng Trị - Khát vọng hòa bình" diễn ra ngày 25/7/2022 tại Trung tâm Dịch vụ Hội nghị tỉnh Quảng Trị. Hội thảo gồm nhiều nội dung ý nghĩa: Ký ức của cựu chiến binh, phóng viên, chiến sĩ tại chiến trường Quảng Trị; Những giá trị của di sản điện ảnh trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thể hiện ý chí và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam; Sự hỗ trợ trong nước và quốc tế về y tế, lương thực trong chiến tranh và khắc phục hậu quả sau chiến tranh dành cho Quảng Trị; Xây dựng Quảng Trị từ vùng bị bom tàn phá trở thành điểm đến an toàn và thân thiện.

0694-1658466076.jpg
Hình ảnh tư liệu được trưng bày tại triển lãm "Quảng Trị - Điểm đến của ký ức".

Cũng tại chuỗi sự kiện này, bộ sưu tập 5 phim do Viện Phim lưu trữ sẽ gửi tặng các đơn vị trong Quảng Trị. 5 bộ phim giá trị này gồm 4 phim tài liệu và 1 phim truyện.

Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân (1968, Đạo diễn Joris Ivens) là một bộ phim tài liệu do đạo diễn nổi tiếng người Hà Lan - Joris Ivens hoàn thành năm 1968 sau hai tháng sống, chứng kiến và làm việc tại vùng đất lửa Quảng Trị. Bộ phim ghi lại một cách chân thực hình ảnh người dân Vĩnh Linh trong những năm tháng khốc liệt nhất của cuộc chiến giành lại độc lập, tự do cho dân tộc. Khi phim công chiếu tại phương Tây, tác phẩm đã tạo được tiếng vang lớn, cho thế giới thấy sự thật về cuộc chiến tranh mà Mỹ đang theo đuổi tại Việt Nam.

Joris Ivens và Ngọn gió Việt Nam (đạo diễn Nguyễn Hoàng Lâm) là bộ phim do Viện Phim Việt Nam sản xuất năm 2018, là góc nhìn tươi mới về đạo diễn Joris Ivens - người nghệ sĩ tài năng và những bộ phim tài liệu vượt thời gian của ông. Bộ phim cho thấy tình cảm của Joris Ivens với con người, đất nước Việt Nam thông qua những thước phim sinh động, chân thực về nhiều giai đoạn quan trọng trong lịch sử. Bên cạnh đó, bộ phim cũng chứng minh giá trị vô giá của nguồn tư liệu hình ảnh động đối với các thế hệ. Phim đã giành Giải Cánh diều bạc tại Giải Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam 2018 và Bông sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 21.

0695-1658466076.jpg
Một số hình ảnh sẽ được trưng bày tại Triển lãm.

Với bộ phim: Lũy thép Vĩnh Linh (1971, đạo diễn: Nguyễn Ngọc Quỳnh), ngay từ năm 1967, đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh cùng đoàn phim đã đi vào "túi bom" Vĩnh Linh để thực hiện những thước phim về vùng "đất thép" này. Khi ra mắt vào năm 1971, Lũy thép Vĩnh Linh được xem như "một bài ca về sức mạnh thần kỳ của chiến tranh nhân dân". Tác phẩm chiến thắng một cách thuyết phục cả 3 hạng mục (Đạo diễn xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất, Phim tài liệu xuất sắc nhất) tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 2 (1973). Phim còn giành huy chương vàng tại Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ VII (1971).

Quảng Trị - Khát vọng hòa bình (2018, đạo diễn Nguyễn Văn Vinh) là bộ phim tài liệu do Công ty Truyền thông Tầm nhìn Á Châu sản xuất. Những hình ảnh trong phim thể hiện một khát vọng hòa bình, một cuộc sống ấm no, tươi đẹp trên mảnh đất Quảng Trị anh hùng thời hiện tại và trong tương lai.

Phim truyện Sống trong sợ hãi (2005, Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên), kể về cuộc mưu sinh bằng việc dò phá bom mìn của người lính phía bên kia chiến tuyến thời hậu chiến. Bộ phim cho thấy sức sống mãnh liệt của người dân Việt Nam, luôn biết vượt qua mọi khó khăn thử thách để vươn lên và khẳng định giá trị của bản thân trong cuộc sống. Tác phẩm đã giành giải Biên kịch xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2005; giải Tài năng trẻ Châu Á cho Phim hay nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Thượng Hải (2006)…

0696-1658466076.jpg
Bìa cuốn sách "Hồi ký Vĩ tuyến 17 - Hai tháng trong lòng đất".

Ngoài ra, trong dịp này cuốn sách "Hồi ký Vĩ tuyến 17 - Hai tháng trong lòng đất" cũng được xuất bản. Nội dung sách nói về những trải nghiệm của nhà làm phim người Hà Lan - Joris Ivens trên hành trình Nam tiến từ thủ đô Hà Nội đến với Quảng Trị và cuộc sống hai tháng dưới lòng đất Vĩnh Linh khi ông thực hiện bộ phim Vĩ tuyến 17 - Chiến tranh nhân dân.

Clip Quảng Trị và những vòng quay đồng hành được thực hiện với những hình ảnh Quảng Trị cùng sự hỗ trợ, đồng hành từ trong nước và quốc tế, ở cả thời chiến lẫn thời bình. Những dự án nhân đạo đã giúp Quảng Trị hồi sinh, trở thành điểm đến an toàn và thân thiện. Đây cũng chính là thông điệp về hòa bình mà Quảng Trị muốn gửi tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Các hoạt động trên nhằm thực hiện Đề án "Điện ảnh chiến tranh cách mạng - Di sản kết nối và những giá trị còn mãi; Nghiên cứu và quảng bá tư liệu về cuộc chiến tranh nhân dân ở vĩ tuyến 17". Nội dung chính của Đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị đưa vào chương trình Lễ hội Hòa bình của Tỉnh và nhận được sự đồng thuận cao của các tổ chức quốc tế trong việc phối hợp tổ chức các sự kiện.

P.V