Triển lãm nhằm tri ân, tôn vinh công lao đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, qua đó góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, tình cảm, trách nhiệm với đất nước của thế hệ hôm nay.
Triển lãm trưng bày hơn 300 hình ảnh, tài liệu, hiện vật của các anh hùng liệt sỹ, thương binh và người có công với cách mạng; những hoạt động tri ân, uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; những tấm gương thương binh tiêu biểu trong cuộc sống, giúp đỡ đồng đội.
Triển lãm gồm 4 phần, trong đó Phần mở đầu giới thiệu những hình ảnh tiêu biểu thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các anh hùng liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Phần 1 với chủ đề “Hy sinh vì Tổ quốc” trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh sự hy sinh, xả thân quên mình và những đóng góp to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng trong các cuộc kháng chiến.
“Uống nước nhớ nguồn” là nội dung chính Phần 2 của triển lãm, trưng bày và giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ, Mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa của dân tộc.
Với Phần 3 có chủ đề “Sáng mãi niềm tin”, triển lãm trưng bày, giới thiệu nhiều hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu về những tấm gương thương binh, bệnh binh “tàn nhưng không phế”, vượt qua thương tật, khó khăn, mất mát, vươn lên trong cuộc sống và giúp đỡ đồng chí, đồng đội, góp phần tô thắm phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời bình.
Một số hiện vật tiêu biểu được giới thiệu như: Sổ công tác của đồng chí Nguyễn Viết Xuân, Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn 14, Sư đoàn 325 ghi chép, năm 1964; Quyết tâm thư của cán bộ chiến sĩ Đại đội 6, Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 24, Sư đoàn 304 ký tên bằng máu gửi đơn vị trước lúc lên đường chiến đấu ở Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, năm 1970; cối giã thuốc của Quân y sử dụng trong bào chế thuốc phục vụ thương binh, bệnh binh, bộ đội tại chiến trường trong kháng chiến chống Pháp, giai đoạn 1952-1954...
Nhiều hiện vật lần đầu giới thiệu tới công chúng như nhóm hiện vật của các liệt sỹ tham gia Đoàn công tác cứu hộ cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 năm 2020 gồm: Bộ quân phục dã chiến của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (Liệt sỹ), Phó Tư lệnh Quân khu 4 mặc khi vào cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 tại Phong Điền, Thừa Thiên Huế, tháng 10/2020; Sổ ghi chép của Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng (Liệt sỹ), Phó Trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4 ghi chép, cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10/2020; đồng hồ của Thượng tá Lê Tất Thắng (Liệt sỹ), Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Thông tin 80, Quân khu 4 sử dụng, cứu hộ công nhân Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3, tháng 10/2020…
Triển lãm mở cửa đón khách tham quan từ nay đến ngày 10/8 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, số 28A Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội.