Chủ nhà Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX chú trọng bảo vệ môi trường

Tỉnh Quảng Ninh - địa phương đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 - hiện có trên 600 di tích lịch sử, văn hoá, danh lam, thắng cảnh. Các di tích lịch sử văn hóa, danh lam, thắng cảnh đã và đang là nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn quý giá của địa phương, tạo sức hút không nhỏ đối với du khách trong và ngoài nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, Quảng Ninh luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường (BVMT) tự nhiên. Với sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp, cùng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, công tác bảo vệ môi trường tại các khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh những năm gần đây có nhiều chuyển biến tích cực, tạo không gian cảnh quan luôn xanh, sạch, đẹp, thu hút đông đảo du khách bốn phương.

Theo đó, các khu di tích, danh lam thắng cảnh đều trang bị thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, bố trí hệ thống thùng rác hợp lý, đảm bảo mỹ quan trong khu di tích, thân thiện với môi trường. Tiêu biểu như tại Khu di tích, danh thắng Yên Tử, Công ty Cổ phần Phát triển Tùng Lâm đã hợp đồng với trên 80 công nhân vệ sinh môi trường, đầu tư trên 800 loại thùng nhựa, thùng inox, sọt tre các loại để đựng rác tại các khu vực, cùng trên 50 xe thu gom rác vận hành liên tục hằng ngày. Di tích đền Cửa Ông có hệ thống thu gom và xử lý nước thải với tỷ lệ thu gom đạt trên 90%; Các di tích tại thị xã Quảng Yên, Đông Triều đều có hợp đồng với các đơn vị thực hiện thu gom và xử lý rác thường xuyên, đặc biệt tăng cường liên tục trong mùa lễ hội....

a1-1650380568.jpg

Khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Cửa Ông được đầu tư cải tạo với đa dạng hệ thống cây xanh

Cùng với đó, hệ thống bảng biểu tuyên truyền về các quy định thực hiện bảo vệ môi trường đều được các đơn vị quản lý khu di tích, danh lam thắng cảnh thắng bố trí tại các không gian thoáng, rộng, dễ nhìn để du khách đến tham quan dễ đọc và chấp hành thực hiện đầy đủ. Hệ thống nhà vệ sinh tại các khu di tích, danh thắng được thiết kế dễ nhận biết phù hợp với cảnh quan đặc điểm di tích; hệ thống các am hóa vàng được bố trí tại điểm hợp lý và có phân công nhân lực thường xuyên thu gom đảm bảo phòng chống cháy nổ an toàn.

Không chỉ chú trọng thực hiện các giải pháp đảm bảo cho công tác vệ sinh môi trường, các đơn vị quản lý còn tích cực phối hợp với địa phương, doanh nghiệp đầu tư làm đẹp cảnh quan khu di tích, danh thắng, nhằm tạo không gian xanh, hài hòa với thiên nhiên, góp phần mang đến cho du khách những trải nghiệm độc đáo khi đến chiêm bái, tham quan và vui chơi.

Căn cứ Quyết định số 4666/QĐ-BVHTTDL ngày 31/12/2015 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch “Về việc ban hành Bộ Tiêu chí hướng dẫn bảo vệ môi trường tại các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh quốc gia”; Quyết định 4216/QĐ-BVHTTDL ngày 25/12/2020 về Quy tắc ứng xử bảo vệ môi trường của khách du lịch, khách tham quan, khán giả và cộng đồng dân cư tại địa điểm, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường tại các khu Di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh.

a2-1650380692.jpg

Đoàn viên, thanh niên, cán bộ chiến sĩ Biên phòng vớt rác ven bờ Vịnh Hạ Long

Theo đó, Sở đã ban hành hướng dẫn các tổ chức, đơn vị, cá nhân trong quá trình tiến hành các hoạt động quản lý, tu bổ tôn tạo di tích và tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao phải có các biện pháp, phương án bảo vệ môi trường khu Di tích, danh lam thắng cảnh và khoanh vùng để hạn chế khách du lịch vào tham quan tại khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm; làm tốt việc kiểm soát, giảm thiểu tiếng ồn để không ảnh hưởng đến môi trường di tích và không gian tổ chức sự kiện, lễ hội văn hóa, thể thao. Đặc biệt, tăng cường các phương án giảm thiểu rác thải nhựa, không sử dụng túi nilong và sản phẩm nhựa dùng 1 lần.

Cùng với công tác chỉ đạo, hướng dẫn, Sở Văn hóa và Thể thao cũng phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành liên quan định kỳ tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về Di tích, danh thắng đối với các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khi triển khai các hoạt động bảo tồn di tích và tổ chức sự kiện lễ hội văn hóa, thể thao thuộc địa bàn quản lý. Ngoài ra, tích cực phối hợp phát động và duy trì các phong trào bảo vệ môi trường khu Di tích, danh thắng tại cơ sở như tổ chức các ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, ngày hội tái chế, ngày hội sống xanh... để truyền thông rộng rãi tới các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức, trách nhiệm, hành động trong bảo vệ Di tích, danh lam thắng cảnh.

Nguyên Dung