Phó Thủ tướng Lê Văn Thành phát biểu làm rõ vấn đề quy hoạch quốc gia, quy hoạch đô thị

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng Bộ Xây dựng sáng nay, 4/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã phát biểu làm rõ thêm một số nội dung, tập trung vào vấn đề quy hoạch.

2524-1667532250.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Nhiều quy hoạch phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian .Ảnh VGP

Phấn đấu tới mức cao nhất để sớm hoàn thành phê duyệt 102 quy hoạch

Thứ nhất là tiến độ lập, phê duyệt quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Phó Thủ tướng nêu rõ, theo quy định của Luật Quy hoạch năm 2017, hệ thống quy hoạch quốc gia có tổng số 110 quy hoạch, trong đó có 41 Quy hoạch cấp quốc gia (gồm Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch không gian biển quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và 38 quy hoạch ngành quốc gia), 06 Quy hoạch vùng và 63 Quy hoạch tỉnh.

Việc ban hành Luật Quy hoạch năm 2017 là sự đổi mới căn bản phương pháp, tư duy nhằm mục tiêu khắc phục việc chia cắt, chồng chéo, manh mún, phân tán trong công tác quy hoạch. Luật Quy hoạch đã đưa ra quy định quy hoạch cấp trên thực hiện trước làm cơ sở để lập quy hoạch cấp dưới, Quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

Tuy nhiên, từ khi Luật Quy hoạch ra đời đã gần 5 năm nhưng Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa được phê duyệt do đây là vấn đề mới, khó, chưa có tiền lệ, lần đầu tiên trong lịch sử chúng ta xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia. Do vậy, mặc dù Luật Quy hoạch đã có hiệu lực từ 1/1/2019 nhưng việc lập các quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành quốc gia còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa triển khai được.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tế và bất cập của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã trình và đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội ban hành Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 ngày 16/8/2019 và Nghị quyết 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 trong đó cho phép được lập đồng thời các quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch; quy hoạch được lập xong trước thì được phê duyệt trước; nếu có mâu thuẫn giữa quy hoạch thấp hơn với quy hoạch cao hơn thì quy hoạch thấp hơn phải điều chỉnh theo quy hoạch cao hơn; các quy hoạch trước đây tương ứng được tiếp tục thực hiện cho đến khi quy hoạch mới được phê duyệt.

Trên cơ sở Nghị quyết 751/2019/UBTVQH14 và Nghị quyết 61/2022/QH15 của Quốc hội đã tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch đã có chuyển biến và đạt được kết quả bước đầu.

Tính đến nay, Chính phủ đã phê duyệt 8 quy hoạch, bao gồm: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển quốc gia, Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa, Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tỉnh Bắc Giang và Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay đã lập xong 57 quy hoạch cấp quốc gia (gồm 15 quy hoạch ngành và 42 quy hoạch tỉnh) - 57 quy hoạch này đang thực hiện các quy trình, thủ tục thẩm định; còn lại 45 quy hoạch (trong đó có 19 quy hoạch tỉnh, 26 quy hoạch ngành và Quy hoạch tổng thể quốc gia) đang được xây dựng.

Đây là khối lượng công việc rất lớn, thực tế trong 10 năm từ 2011-2020, chúng ta mới phê duyệt được 31 quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh.

Để hoàn thành phê duyệt 102 quy hoạch còn lại là thách thức rất lớn. Tinh thần chung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là cố gắng phấn đấu tới mức cao nhất để sớm hoàn thành phê duyệt 102 quy hoạch theo quy định. Nhưng đồng thời không chạy theo số lượng mà phải chú trọng tới chất lượng quy hoạch.

Với tinh thần đó, Chính phủ đề nghị các địa phương, các Bộ, ngành dành nhiều thời gian và sự quan tâm cho công tác quy hoạch để bảo đảm tiến độ. Đồng thời phải chú trọng tới lựa chọn tư vấn lập quy hoạch, nhất là phát huy thật tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan thẩm tra, Hội đồng thẩm định để bảo đảm chất lượng quy hoạch; tránh tình trạng như một số quy hoạch ngành, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị chất lượng còn thấp, phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian.

2525-1667532250.jpg
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành: Công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế. Ảnh VGP

Nhiều quy hoạch phải làm đi làm lại nhiều lần, mất rất nhiều thời gian

Vấn đề thứ hai là công tác quy hoạch đô thị, quản lý và phát triển đô thị. Phó Thủ tướng nêu rõ: Có thể khẳng định, công tác quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị trong những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 30,5% năm 2010 lên 40,5% năm 2021. Các khu vực đô thị đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) khá cao (gấp gần 2 lần bình quân chung, tăng trưởng từ 12-15%/năm); đã hình thành nhiều khu đô thị văn minh, hiện đại; hạ tầng kỹ thuật đô thị từng bước được cải thiện, không gian đô thị được mở rộng, làm thay đổi diện mạo đô thị của các thành phố và các địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển đô thị cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế: Việc chỉnh trang đô thị trung tâm, cải tạo chung cư cũ xuống cấp còn chậm. Nhiều khu nhà trọ công nhân tại các đô thị chưa bảo đảm các tiêu chuẩn xây dựng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Một số khu vực đô thị quá tải về hạ tầng; các tiêu chí về đô thị như tỷ lệ đất cây xanh, công viên, vườn hoa, đất giao thông còn thấp; hầu hết các đô thị loại I, đô thị đặc biệt, tỷ lệ này chỉ đạt 40-50% so với chỉ tiêu quy định trong Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 và Nghị quyết 26/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị.

Phó Thủ tướng cho biết: Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ công tác quy hoạch, quản lý, chỉnh trang và phát triển đô thị, cụ thể là: Công tác quản lý đô thị còn nhiều hạn chế, tình trạng vi phạm trật tự xây dựng như xây dựng không phép, sai phép, vượt tầng; đặc biệt là các vi phạm về xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm ở các khu vực ven đô diễn ra khá nhiều nhưng chưa được xử lý kịp thời.

Thứ hai, chất lượng của nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tầm nhìn, không bảo đảm sự cân đối giữa quỹ đất ở với quỹ đất dành cho các chức năng công cộng như giao thông, cây xanh, văn hóa, y tế giáo dục, nhất là quy hoạch mật độ nhà cao tầng quá lớn,… đã gây áp lực quá tải hạ tầng đô thị.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành, các địa phương đã triển khai khá tốt về công tác quy hoạch; nhiều quy hoạch đã được phê duyệt bảo đảm chất lượng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều đồ án quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch đã trình Thủ tướng Chính phủ nhưng do chất lượng của tư vấn, công tác thẩm tra, thẩm định không đạt yêu cầu dẫn tới phải làm đi làm lại nhiều lần và mất rất nhiều thời gian.

Có những quy hoạch điều chỉnh giảm quỹ đất cây xanh, công viên, phúc lợi công cộng, thương mại, tăng quỹ đất ở, điều chỉnh chiều cao công trình dẫn tới gây quá tải lên hệ thống hạ tầng mà không thực hiện theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, chúng ta đang thiếu đất cây xanh thì theo tinh thần Quyết định 130 là di dời cơ sở sản xuất kinh doanh ra khỏi trung tâm đô thị để dành cho xây dựng công viên, xây dựng các công trình giao thông, phúc lợi công cộng nhưng trên thực tế làm việc này còn kém hiệu quả. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành quan tâm vấn đề này, khi di chuyển cơ sở sản xuất từ nội đô để bảo đảm môi trường thì chúng ta phải ưu tiên thực hiện quyết định 130 của Thủ tướng để chúng ta sắp xếp đất cây xanh, phúc lợi công cộng.

Theo Phó Thủ tướng, có những đồ án điều chỉnh quy hoạch nhưng nội dung lại là xây dựng quy hoạch mới, thay thế quy hoạch cũ không đúng với nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong thời gian qua, Chính phủ mất nhiều thời gian để rà soát với tinh thần phải bảo đảm chất lượng, tiến tới mục tiêu thực hiện bằng Nghị quyết của Quốc hội về tiêu chí, tiêu chuẩn hạ tầng ở các đô thị, để tiến tới chúng ta có các đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống để phục vụ nhân dân.

Xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, từ tình hình thực tế trong công tác quy hoạch, quản lý phát triển đô thị hiện nay cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau đây:

Thứ nhất, Bộ Xây dựng, các địa phương phải đặc biệt quan tâm tới công tác lựa chọn tư vấn, thẩm tra, thẩm định. Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng công tác quy hoạch.

Thứ hai, Bộ Xây dựng, các địa phương, nhất là lực lượng thanh tra chuyên ngành phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp, nhất là chính quyền cấp cơ sở, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các vi phạm trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng, nhất là xây dựng không phép, sai phép, xây dựng vượt quá tầng cao, xây dựng trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm tại các khu vực ven đô, khu vực đất cây xanh, đất công cộng,…

Thứ ba, Bộ Xây dựng khẩn trương rà soát lại các quy định pháp luật liên quan tới lĩnh vực quy hoạch, quản lý phát triển đô thị như Luật Quy hoạch đô thị, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng và các quy định khác có liên quan để kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đức Tuân