Diễn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra vào ngày 18/9.
Trong khuôn khổ diễn đàn, các đại biểu đã tham dự 2 Hội thảo chuyên đề: Hội thảo chuyên đề 1 có chủ đề là "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội"; Hội thảo chuyên đề 2 có chủ đề là "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững" và Phiên toàn thể (Tọa đàm cấp cao) với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững".
Sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị để vượt qua thách thức
Tại Phiên toàn thể, các đại biểu đã nghe Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong trình bày tóm tắt nội dung Phiên hội thảo chuyên đề về "Đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội"; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Lê Văn Lợi trình bày tóm tắt nội dung Phiên hội thảo chuyên đề về "Thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững".
Đồng thời, các đại biểu nghe Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương trình bày tham luận với chủ đề: "Bối cảnh quốc tế; tổng quan kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022 và triển vọng năm 2023"; Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (WB) Andrea Coppola trình bày tham luận: "Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022 - Những đề xuất phát triển kinh tế xanh và kinh tế số"; Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trình bày tham luận: "Nâng cao năng lực chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội".
Các báo cáo, tham luận trình bày tại Phiên toàn thể cho thấy, trong bối cảnh kinh tế - chính trị, xã hội trên thế giới có nhiều biến động, tiềm ẩn rủi ro đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, kết quả đạt được trong 8 tháng đầu năm 2022 có nhiều điểm sáng, cho thấy sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị để vượt qua thách thức, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội hướng đến phát triển bền vững.
Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến nhận định, khuyến nghị, đề xuất chính sách về phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; các giải pháp phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; nâng cao năng lực chống chịu và tính tự cường của nền kinh tế; những động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển bền vững…
Nền kinh tế mở cửa trở lại và trên đà phục hồi, phát triển
Phát biểu bế mạc Diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, sau 1 ngày làm việc sôi nổi, trách nhiệm và khẩn trương, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra và thành công tốt đẹp. Diễn đàn đã thu hút sự quan tâm rất lớn của xã hội, người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng như các cơ quan thông tấn, báo chí của Trung ương và địa phương.
Diễn đàn lần này ghi nhận nhiều ý kiến phát biểu, trong đó các ý kiến cơ bản bày tỏ sự thống nhất và đồng thuận cao khi đánh giá về tình hình thế giới và Việt Nam; khẳng định dịch bệnh ở nước ta cơ bản đã được kiểm soát, nền kinh tế mở cửa trở lại và trên đà phục hồi, phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng bày tỏ tán thành với các ý kiến trao đổi tại Diễn đàn, trong đó ghi nhận Chính phủ đã tích cực ban hành các chính sách, dù có những độ trễ nhất định nhưng khi chính sách ban hành đều được triển khai nhanh.
Đề cập tới vấn đề cụ thể về gói tín dụng, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại phiên chất vấn của Quốc hội vừa qua đã có giải pháp, song với thông điệp nhất quán về kiên định ổn định vĩ mô thì bên cạnh giới hạn tổng mức tín dụng còn cần chú trọng về cơ cấu và chất lượng tín dụng, tính toán cơ cấu tín dụng để đưa vốn vào khu vực có nhu cầu thực.
Về các thị trường như thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ, thị trường bất động sản… Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, các loại thị trường đều là mạch máu của nền kinh tế. Do đó cần bảo đảm lưu thông lành mạnh, bền vững, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực, khắc phục khiếm khuyết và tạo điều kiện phát triển các loại thị trường, thông suốt thị trường trong nước và kết nối với quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, một trong những kết quả đạt được tại diễn đàn là các ý kiến đều thống nhất rằng: Ngoài việc tập trung các mục tiêu trước mắt nhưng không quên mục tiêu dài hạn là tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 10 năm như định hướng Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra.
Chủ tịch Quốc hội cũng bày tỏ vui mừng trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn và tiềm ẩn nhiều thách thức nhưng các ý kiến đều đạt sự đồng thuận, thống nhất cao. Theo đó về giải pháp dài hạn cần tiếp tục hoàn thiện thể chế chính sách pháp luật trong đó có thể chế, chính sách về đất đai. Cùng với đó là vấn đề quy hoạch và liên kết phát triển vùng và khu vực; tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…là những vấn đề được quan tâm đặt ra tại diễn đàn.
Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mong Diễn đàn tiếp tục được phát huy trong các năm tiếp theo và tiếp tục nhận được sự ủng hộ, tham gia, theo dõi của các cơ quan, tổ chức.