Phát huy các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao cấp quốc gia được cụ thể hóa từ quy hoạch tổng thể quốc gia theo ngành trên cơ sở kết nối các ngành, các vùng có liên quan đến kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
Mạng lưới cơ sở văn hóa cấp quốc gia bao gồm các cơ sở: Bảo tàng; thư viện; điện ảnh; nghệ thuật biểu diễn; triển lãm văn hóa; nghệ thuật; trung tâm văn hóa trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; cơ sở nghiên cứu và đào tạo chuyên ngành văn hóa, nghệ thuật; Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia bao gồm các cơ sở: Trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; trung tâm hoạt động thể thao; cơ sở dịch vụ thể thao và cơ sở chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên; cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao.
Di sản thế giới và di tích quốc gia đặc biệt; trụ sở cơ quan về văn hóa, thể dục, thể thao.
Quan điểm Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa thể thao đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển thể dục, thể thao đồng bộ cả về chiều rộng và chiều sâu, bảo đảm phát triển bền vững, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và chủ quyền quốc gia, gắn kết với các nhiệm vụ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành, quy hoạch vùng và các vùng quy hoạch khác có liên quan.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao kết nối hiệu quả từ Trung ương đến địa phương; bảo đảm sự cân đối, hài hòa, phù hợp với các vùng, miền và giữa các lĩnh vực, nhất là các đối tượng chính sách và yếu thế, đồng bào các dân tộc thiểu số; góp phần chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam, phát huy tối đa vai trò quan trọng của thể dục, thể thao.
Huy động sức mạnh tổng hợp và đẩy mạnh xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn, theo từng địa bàn và từng giai đoạn.
Đến năm 2045, hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia
Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại, đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định và nhu cầu thực tiễn; bảo đảm công bằng trong tham gia, hưởng thụ của Nhân dân các vùng, khu vực trong cả nước; bảo đảm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc; bảo đảm liên kết vùng và liên kết với các kết cấu hạ tầng khác trong phạm vi lãnh thổ.
Mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia được phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của Nhân dân; yêu cầu tập luyện và thi đấu đạt chuẩn quốc tế đối với các môn thể thao trọng điểm, có mục tiêu giành huy chương châu lục, thế giới; đủ điều kiện tổ chức các sự kiện thể thao có quy mô lớn ở khu vực và châu lục.
Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Hình thành các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội, phục vụ học tập, rèn luyện suốt đời của người dân, góp phần xây dựng xã hội học tập và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng cho Việt Nam hội nhập trong thế kỷ XXI, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Hình thành các trung tâm về văn hóa, thể thao trọng điểm gắn với các đô thị quan trọng của quốc gia và vùng tại Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Vinh, Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ; tạo lập sự liên kết chặt chẽ giữa các cấp; đăng cai tổ chức thành công Đại hội thể thao châu Á.
Phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia
Quy hoạch đặt ra phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia gồm: Mạng lưới bảo tàng; mạng lưới thư viện; mạng lưới cơ sở điện ảnh; mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn; mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật; mạng lưới trung tâm văn hóa ở trong nước; trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo chuyên ngành Văn hóa, Nghệ thuật; làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam; cơ sở số hóa dữ liệu văn hóa.
Đối với Mạng lưới bảo tàng: Hoàn thiện và mở rộng mạng lưới bảo tàng với hạt nhân là các bảo tàng quốc gia. Ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ, hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa các tài liệu, hiện vật, bảo vật quốc gia, tăng cường kết nối, liên kết, chia sẻ dữ liệu giữa các bảo tàng quốc gia với bảo tàng chuyên ngành và các bảo tàng cấp tỉnh. Đổi mới nội dung và hình thức hoạt động để xây dựng bảo tàng thành trung tâm thông tin về khoa học, văn hóa, lịch sử và điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách tham quan và trải nghiệm.
Nghiên cứu, xây dựng mới 02 bảo tàng quốc gia (Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam) và một số bảo tàng chuyên ngành, như: Bảo tàng Tiền Việt Nam, Bảo tàng Kiến trúc Việt Nam, Bảo tàng Giáo dục Việt Nam, Bảo tàng Nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Mạng lưới thư viện: Phát triển mạng lưới thư viện gồm Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện chuyên ngành đóng vai trò đầu ngành, thư viện thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, thư viện các cơ sở giáo dục Đại học trọng điểm quốc gia và Đại học vùng, một số thư viện công cộng cấp tỉnh có vai trò trung tâm vùng.
Đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đọc và tra cứu thông tin của người dân; bảo đảm quy mô, tiêu chuẩn chuyên ngành đạt cấp I trở lên đối với thư viện quốc gia và cấp II trở lên đối với các thư viện khác trong mạng lưới.
Tăng cường năng lực hoạt động thư viện số, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, vận hành thư viện theo hướng hiện đại. Hoàn chỉnh hệ cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu thư viện Việt Nam, tài nguyên thông tin mở, có khả năng liên thông với thư viện trong nước và nước ngoài.
Nâng cấp Thư viện Quốc gia theo hướng hiện đại, ngang tầm khu vực, đáp ứng vai trò thư viện trung tâm của cả nước; xây dựng Trung tâm bảo quản dữ liệu số quốc gia với hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại và đồng bộ....
Mạng lưới cơ sở điện ảnh: Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ cho các cơ sở phổ biến phim và cơ sở sản xuất phim để hoàn thiện mạng lưới cơ sở điện ảnh theo hướng hiện đại và đồng bộ.
Hoàn thiện đầu tư, mở rộng, nâng cấp Trường quay Cổ Loa đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ đạt tầm cỡ khu vực và thế giới. Nghiên cứu xây dựng mới các trường quay tại Đà Nẵng và TP.HCM bảo đảm đáp ứng hoạt động quay phim và các khâu kỹ thuật tiền kỳ, hậu kỳ trong sản xuất phim theo công nghệ hiện đại.
Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và ứng dụng công nghệ cho Trung tâm Kỹ thuật điện ảnh và Trung tâm Điện ảnh Thể thao và Du lịch Việt Nam đáp ứng yêu cầu sản xuất phim theo công nghệ hiện đại, từng bước trở thành các trung tâm hàng đàu trong cung cấp các dịch vụ kỹ thuật điện ảnh.
Mạng lưới cơ sở nghệ thuật biểu diễn: Đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đáp ứng yêu cầu tổ chức các sự kiện nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và quốc tế, mang bản sắc đặc trưng của địa phương và vùng miền, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống của các dân tộc Việt Nam.
Hình thành các trung tâm nghệ thuật biểu diễn tại các đô thị lớn, các địa phương đóng vai trò trung tâm vùng và các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch; gắn kết, tạo động lực thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa và du lịch; từng bước tạo dựng các thương hiệu quốc gia.
Nghiên cứu, xây dựng mới 4 công trình trọng điểm đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: Nhà hát Nhạc, Vũ kịch Việt Nam, nhà hát Cải lương Việt Nam, nhà hát Kịch Việt Nam và Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam.
Nâng cấp 4 công trình đạt quy mô, sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi, gồm: nhà hát Chèo Việt Nam, nhà hát Tuồng Việt Nam, nhà hát Múa rối Việt Nam, nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam.
Đầu tư xây dựng các trung tâm nghệ thuật biểu diễn theo mô hình các tổ hợp trung tâm nghệ thuật biểu diễn với quy mô đạt cấp đặc biệt, sức chứa hơn 3.000 chỗ ngồi tại Hà Nội và Đà Nẵng; Trung tâm biểu diễn nghệ thuật hiện đại và Nhà hát tổng hợp quốc gia tại Thành phố Hồ Chí Minh với sức chứa tối thiểu 1.200 chỗ ngồi cho mỗi cơ sở.
Mạng lưới cơ sở triển lãm văn hóa, nghệ thuật: Nghiên cứu, xây dựng mới và nâng cấp mạng lưới gồm 5 cơ sở triển lãm quốc gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ tổ chức các sự kiện triển lãm trong nước và quốc tế, có quy mô, tiêu chuẩn chuyên ngành đạt từ cấp I trở lên; phân bố tại Hà Nội, Thừa Thiên Huế và TP.HCM. Đầu tư xây dựng mới các công trình trọng điểm: Nhà triển lãm quốc gia tại TP.HCM; Trung tâm Triển lãm văn hóa, nghệ thuật quốc gia tại thành phố Huế...
Phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia
Quy hoạch cũng đặt ra phương hướng phát triển mạng lưới cơ sở thể dục, thể thao quốc gia gồm: mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao; mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao; mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao; mạng lưới cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên.
Trong đó, đối với Mạng lưới trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao sẽ xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, huấn luyện và nâng cao thành tích tại các Đại hội Thể thao châu lục và thế giới.
Nghiên cứu, đầu tư xây dựng Trung tâm Huấn luyện Quốc gia trọng điểm thuộc Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình (nếu phù hợp) để phục vụ huấn luyện vận động viên cho các môn thể thao trọng điểm, xác định mục tiêu huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á và Đại hội Thể thao thế giới.
Tổ chức phân bố mạng lưới các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia và trung tâm vệ tinh tại các khu vực, địa phương phù hợp với điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu huấn luyện chuyên sâu và tổ chức thi đấu các môn thể thao thế mạnh, trọng điểm; được sắp xếp hợp lý về tổ chức bộ máy quản lý theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Đầu tư các trung tâm đào tạo, huấn luyện vận động viên thể thao có quy mô, tiêu chuẩn chuyên ngành của công trình đạt cấp I, II, III đáp ứng yêu cầu huấn luyện, giảng dạy và tổ chức thi đấu quốc tế, quốc gia.
Mạng lưới trung tâm hoạt động thể thao: Đầu tư, phát triển mạng lưới khu liên hợp thể thao quốc gia tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM hiện đại, đồng bộ, bảo đảm theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành, đáp ứng yêu cầu tổ chức đại hội thể thao khu vực và châu lục.
Hoàn thiện đầu tư theo quy hoạch và khả năng cân đối, huy động nguồn lực đối với Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình đạt tiêu chuẩn tổ chức Đại hội thể thao châu Á. Nghiên cứu, xây dựng Khu Liên hợp thể thtao quốc gia Rạch Chiếc tại TP.HCM. Hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Hòa Xuân tại Đà Nẵng.
Nghiên cứu, xây dựng, nâng cấp các khu liên hợp thể thao hoặc trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đóng vai trò là các cơ sở liên kết tổ chức các đại hội thể thao khu vực và châu lục, thúc đẩy phát triển thể dục, thể thao vùng, liên vùng, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và khả năng huy động, cân đối, bố trí nguồn lực.
Mạng lưới cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao: Nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao quốc gia. Hoàn thành xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu thể dục, thể thao quốc gia, từng bước ứng dụng, khai thác dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước, nghiên cứu, đào tạo thể dục, thể thao.
Các địa phương, ngành Quân đội, ngành Công an chủ động trong việc đáp ứng cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết, phù hợp để phục vụ tuyển chọn, đào tạo, làm cơ sở cung cấp vận động viên cho quốc gia.
Cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị cho các cơ sở có tính chất trọng điểm, như: Viện Khoa học Thể dục thể thao và các trường: Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng, Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM; đồng thời, tăng cường tự chủ đối với các trường này, song song với đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tư vấn chính sách kinh tế và quản trị thể dục, thể thao. Trong đó, trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh trở thành trường tiên phong trong chuyển đổi số, hệ thống quản trị hiện đại, thông minh, chuyên nghiệp vào năm 2030.
Mạng lưới cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên: Đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở dịch vụ thể thao và chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng vận động viên theo hướng mô hình cơ sở y tế chuyên ngành, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong công tác khám chữa bệnh, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng cho vận động viên thể thao, các trọng tài, huấn luyện viên, cán bộ làm công tác thể thao và Nhân dân.
Đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Thể thao Việt Nam trở thành trung tâm khám bệnh, chữa trị chấn thương phục hồi chức năng cho vận động viên đạt trình độ khu vực và quốc tế.
Nghiên cứu, đầu tư xây dụng Bệnh viện Thể thao khu vực phía Nam trở thanh vệ tinh trong hệ thống cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa trị chấn thương, phục hồi chức năng cho vận động viên và Nhân dân trong tập luyện và thi đấu thể thao.
Để thực hiện các mục tiêu, phương hướng nêu trên, Quy hoạch đưa ra 8 giải pháp thực hiện bao gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển; Giải pháp về giáo dục, tuyên truyền; Giải pháp về hợp tác quốc tế; Giải pháp về môi trường, khoa học và công nghệ; Giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động.