Nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Cố đô Huế

Ngày 10/6, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày thành lập (10/6/1982-10/6/2022), đánh dấu một chặng đường quan trọng trên hành trình phục hồi và phát triển các giá trị di sản vật thể và phi vật thể của triều Nguyễn được Tổ chức UNESCO vinh danh.

hue-1654931534.jpg
Ông Trần Đình Thành - Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành nhấn mạnh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế được xem là đơn vị đi đầu cả nước và là hình mẫu về công tác bảo tồn, trùng tu di tích. Di sản Huế với thương hiệu "1 điểm đến 5 di sản" đã và đang trở thành một thương hiệu của du lịch Việt Nam, một lựa chọn hàng đầu của du khác trong và ngoài nước. Thời gian tới, đơn vị cần tiếp tục đa dạng hóa các loại hình dịch vụ tại khu di tích; tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào hoạt động tuyên truyền, quảng bá để Quần thể di tích Cố đô Huế trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Đặc biệt, Trung tâm cần đẩy mạnh các hoạt động bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa Huế và giải quyết cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển nhằm bảo bệ tính toàn vẹn các giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể di tích Cố đô Huế gắn với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Di sản văn hóa Huế đã vượt qua giai đoạn cứu nguy khẩn cấp và đang từng bước hồi sinh diện mạo ban đầu của một Cố đô lịch sử. Công cuộc bảo tồn di tích Huế chuyển sang giai đoạn ổn định và phát triển bền vững. Đến nay, Huế tự hào đã có 5 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đó là: Quần thể di tích cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế. 40 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, đến nay, Trung tâm đã trở thành một đơn vị vững mạnh toàn diện, tạo nên thương hiệu "đơn vị bảo tồn Di sản hàng đầu của Việt Nam".

dai-noi-1654931534.jpeg
Du khách tham quan Đại Nội Huế. Ảnh tư liệu: TTXVN

Ngày 10/6/1982, Công ty Quản lý Di tích Lịch sử và Văn hóa Huế được thành lập, trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý Di tích và Xí nghiệp Tu sửa Di tích, trực thuộc vào UBND tỉnh Bình Trị Thiên. Đến ngày 30/5/1992, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ban hành Quyết định số 443/QĐ-UBND đổi tên Công ty Quản lý Di tích và Văn hóa Huế thành Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. 40 năm qua, hàng trăm hạng mục công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ, tiêu biểu là các di tích như: Ngọ Môn, Hiển Lâm Các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, điện Thái hoà, điện Kiến Trung… Bên cạnh đó, trung tâm cũng nghiên cứu phục hồi một số lễ hội cung đình quan trọng nhất của triều Nguyễn như lễ Tế Giao, lễ tế Xã Tắc, lễ Truyền Lô - Vinh quy bái tổ, lễ hội thi Tiến sĩ Võ.

Trung tâm có mối quan hệ hợp tác với hơn 30 tổ chức quốc tế, hàng chục các Viện, trường Đại học, ban ngành trong nước để tiến hành các hoạt động nghiên cứu, bảo tồn di sản, giao lưu văn hoá cả trên lĩnh vực văn hóa vật thể, phi vật thể và cảnh quan môi trường. Trung tâm vinh dự đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Độc lập hạng Ba (2017), Huân chương Lao động Hạng Nhất (2006), trong nhiều năm liền đã nhận được Cờ Thi đua xuất sắc về ngành Bảo tồn Bảo tàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

hue-1-1654931534.jpg
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Ảnh: TTXVN

Dịp này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tặng Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

T.V