Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhìn lại kết quả thực hiện nhiệm vụ VHTTDL của năm 2023, năm “bản lề” thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực VHTTDL, toàn ngành rất vui mừng vì đã có nhiều nỗ lực cố gắng với quyết tâm cao nhất.
Trong năm 2023, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành 3 nghị định, 1 nghị quyết, ban hành trong thẩm quyền 10 Thông tư… các con số này đã chứng minh, việc chuyển tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng công cụ pháp luật được Bộ tổ chức một cách nghiêm túc. Các luật, nghị định trình đều đảm bảo đúng quy trình văn bản quy phạm pháp luật, nhất là vấn đề đánh giá tác động chính sách để đảm bảo tuổi thọ ngày càng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu quản lý trong giai đoạn mới.
Điểm sáng trong năm 2023 đó là chúng ta đã gắn liền với các sự kiện chính trị để tổ chức nhiều hoạt động lớn cấp vùng, cấp khu vực, đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Đồng thời cũng duy trì, tôn tạo và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa.
Điểm sáng tiếp theo đó là Bộ đã rà soát, xác định "điểm nghẽn" trong quản lý nhà nước về lễ hội, ngay từ đầu năm, Bộ đã tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp với các địa phương để lễ hội đi vào quy cũ, tạo ra nhiều giá trị hơn so với những năm trước đây.
Bên cạnh đó là Bộ đã tập trung cho công tác xây dựng môi trường văn hóa, trong đó làm tốt Cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, ban hành các văn bản hướng dẫn để địa phương xây dựng hương ước, quy ước, lấy nhân dân làm chủ thể. Thông qua đó, môi trường văn hóa được định hình, tiếp tục nâng cao, góp phần bồi đắp, giáo dục, hoàn thiện nhân cách con người.
Về lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn, Bộ trưởng cho biết, dù còn nhiều khó khăn nhưng thời gian qua Bộ vẫn nỗ lực để duy trì các loại hình nghệ thuật truyền thống thông qua các liên hoan, giao lưu nghệ thuật quần chúng…
Về lĩnh vực Du lịch, Bộ trưởng cho biết, ngay từ đầu năm Bộ xác định trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế vẫn còn dư địa phát triển về du lịch, dịch vụ. Vì vậy, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững.
Nhờ cách làm có tính chất sáng tạo nhằm khai thác thế mạnh của các địa phương, sự liên kết nhằm tạo ra hệ sinh thái tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, chỉ trong 9 tháng đầu năm Việt Nam đã đón hơn 8,8 triệu lượt khách quốc tế, du lịch nội địa đạt 93,5 triệu lượt. Qua đó đóng góp tích cực vào ngân sách nhà nước.
Hiện nay, Bộ VHTTDL đang tiếp tục tham mưu Chính phủ tổ chức Hội nghị gặp gỡ các doanh nghiệp du lịch để tháo gỡ những khó khăn hiện nay, từ đó để đưa du lịch phục hồi mạnh mẽ trong thời gian tới. Chúng tôi rất vui mừng được báo cáo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội là Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là điểm sáng về phục hồi du lịch" - Bộ trưởng thông tin.
Về lĩnh vực Thể thao, Bộ xác định đi trên hai trụ cột là thể thao quần chúng và thể thao thành tích cao. Trong thể thao quần chúng, Bộ đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin nhằm tạo ra các bài tập thể thao cho mọi lứa tuổi. Về thể thao thành tích cao, Việt Nam đã nỗ lực đạt các mục tiêu tại sân chơi SEA Games, ASIAD hướng đến mục tiêu cao hơn tại các đấu trường thế giới…
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, dù đã đạt được nhiều kết quả nhưng lĩnh vực VHTTDL là lĩnh vực rộng nên trong quá trình thực hiện vẫn còn một số khó khăn, thách thức. Cụ thể như thể chế pháp luật của một số lĩnh vực vẫn còn chưa đầy đủ như văn học nghệ thuật; nghệ thuật biểu diễn; triển lãm… Bên cạnh đó, nhận thức về lĩnh vực Văn hóa ở một số nơi, một số thời điểm vẫn còn chưa đầy đủ. Đầu tư cho lĩnh vực Thể thao vẫn còn nhiều khó khăn; Quản lý điểm đến tại một số địa phương vẫn còn hạn chế…
Về nhiệm vụ năm 2024, Bộ trưởng cho biết toàn ngành sẽ tiếp tục rà soát để khơi thông nguồn lực thông qua thể chế chính sách, trong đó tập trung tham mưu để Quốc hội sửa đổi một số dự án Luật Quảng cáo, Di sản văn hóa…
Về Thể thao, Bộ đang tập trung xây dựng Chiến lược về Thể thao trong giai đoạn tới, đối với Du lịch, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 82 của Chính phủ; Tăng cường quản lý điểm đến, xúc tiến quảng bá các thị trường truyền thống, mở ra các thị trường tiềm năng. Cùng với đó, Ngành Văn hóa cũng sẽ tăng cường công tác quảng bá giới thiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá, báo cáo của Bộ VHTTDL đã phản ánh khá cụ thể, đầy đủ về tình hình, kết quả; những tồn tại, hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch; đồng thời đề ra các giải pháp khắc phục và đề xuất, kiến nghị.
Qua đó đề nghị Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá tổng thể để đề xuất, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật; ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, đất đai, thuế, phí… nhằm huy động các nguồn lực phát triển văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa. Tập trung hoàn thiện, ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Điện ảnh 2022, Luật Sở hữu trí tuệ; xây dựng hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)…
Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tập trung rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, năm 2023 có nhiều thuận lợi, thách thức đan xen; nhất là các yếu tố hậu đại dịch COVID-19, tình hình thế giới và thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu... diễn biến phức tạp, khó lường, đã tác động nhiều mặt tới việc triển khai các nhiệm vụ công tác của ngành văn hóa.
Khối lượng công việc lớn, lĩnh vực phụ trách rộng, phức tạp, song Bộ VHTTDL và toàn ngành đã thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó, chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra, đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Ông Nguyễn Đắc Vinh đề nghị, năm 2024, Bộ tiếp tục hoàn thành các nhiệm vụ về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm định, thẩm tra trong việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035; tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định đảm bảo chất lượng, tiến độ và khả thi; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa số. Tập trung phát triển thể thao thành tích cao.
Thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là di sản văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch. Xác định giải pháp kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công.