Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đã ký Quyết định số 2400/QĐ-BVHTTDL ngày 29/9 Ban hành Kế hoạch triển khai Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".

chuyen-ds-1664541234.jpg
Ảnh minh họa: dangcongsan.vn

Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho lãnh đạo, cán bộ, công chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhằm tạo bước đột phá trong triển khai thực hiện các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ. Đồng thời, xác định cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Kế hoạch, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ, công chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ nhằm thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Kế hoạch hướng tới mục tiêu chung đó là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực.

Mục tiêu cụ thể tới năm 2025, lãnh đạo các cấp, các ngành trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ nhận thức sâu sắc về chuyển đổi số để chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mình. Đồng thời, 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp thuộc Bộ hàng năm được tham gia đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. 100% công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số, công nghệ thông tin hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về công nghệ số và được đánh giá trực tuyến kết quả đào tạo qua Hệ thống đánh giá, sát hạch chuẩn kỹ năng số quốc gia. Cùng với đó, xây dựng được mạng lưới chuyển đổi số đến tận cấp cơ sở với đội ngũ thành viên được thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức, kỹ năng làm nòng cốt cho tiến trình chuyển đổi số của Bộ; Nghiên cứu, đề xuất thí điểm triển khai tại một số cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ mô hình "Giáo dục đại học số" do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Mục tiêu đến năm 2030 là mở rộng phạm vi triển khai theo mô hình "Giáo dục đại học số" tới tối thiểu 50% các trường Đại học thuộc Bộ; 100% cán bộ và công chức có khả năng làm việc trực tuyến trên các nền tảng số của Chính phủ và của Bộ cung cấp.

Để đạt được các mục tiêu trên đây, Kế hoạch đề ra 03 nhiệm vụ, gồm: Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; Phổ cập kỹ năng chuyển đổi số; Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Đồng thời Kế hoạch cũng đề ra 3 nhóm giải pháp, cụ thể, gồm: Nhóm các giải pháp về cơ chế, chính sách (Nghiên cứu, xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, triển khai đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên trách và trực tiếp triển khai chuyển đổi số trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Áp dụng hình thức khen thưởng đột xuất và kịp thời cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc Bộ có ý tưởng, sáng kiến, cách làm đột phá, sáng tạo trong chuyển đổi số, giúp mang lại hiệu quả cao trong hoạt động của cơ quan, tổ chức và lợi ích cho cộng đồng); Nhóm các giải pháp hỗ trợ triển khai (Truyền thông, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan, tổ chức thuộc Bộ về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi số, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong thực hiện chuyển đổi số tại Bộ; Tăng cường đầu tư trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan đơn vị được ổn định và bảo đảm an toàn, an ninh mạng…); Nhóm các giải pháp về cơ chế tài chính (Ưu tiên bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước để triển khai Kế hoạch, huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội và các nguồn kinh phí khác cho hoạt động nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; Ưu tiên bố trí kinh phí để triển khai các chương trình, dự án đào tạo thực hành ngắn hạn về chuyển đổi số, công nghệ số, kỹ năng số cho cán bộ chuyên trách; Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học ưu tiên bố trí ngân sách từ các nguồn thu hợp pháp theo quy định để triển khai đào tạo, nghiên cứu phát triển về chuyển đổi số, công nghệ số).

P.V