
Tại buổi tập huấn, TS. Lê Văn Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng - cho biết, trong 10 điều của Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam có Điều 4 là: “Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân”. Do đó, bình đẳng giới là vấn đề người làm báo cần quan tâm và hiểu biết để không vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
TS. Lê Văn Sơn đã trao đổi với học viên là phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí truyền thông xung quanh các chủ đề: Nhặt sạn giới trong các sản phẩm báo chí, phân tích định kiến giới, lăng kính giới trong sản phẩm báo chí. Các học viên cùng thảo luận nhóm về vấn đề này trong các sản phẩm báo chí.
TS. Lê Văn Sơn gợi ý các chủ đề về bình đẳng giới cho các nhà báo như: Luật pháp chính sách về bình đẳng giới, chia sẻ việc nhà, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, quấy rối tình dục tại nơi làm việc; tảo hôn, hôn nhân cận huyết; quyền lao động nữ tại nơi làm việc…

Theo PGS.TS, nhà báo Đỗ Thị Thu Hằng, hiện nay, vẫn còn nhiều rào cản ngăn chặn quyền của phụ nữ, liên quan trước tiên đến nhận thức, ý thức về giá trị bản thân của người phụ nữ. Với nhà báo, khi muốn thay đổi thái độ, nhận thức của công chúng, nhà báo cần nâng cao hiểu biết và nhận thức về bình đẳng giới, truyền thông giới, góp phần phát triển các vấn đề báo chí có lồng ghép giới, có yếu tố nhạy cảm giới. Các giải pháp truyền thông thay đổi hành vi: Đối với người chưa hiểu biết về bình đẳng giới thì cung cấp thông tin, kiến thức. Người đã hiểu biết về bình đẳng giới thì xác định rào cản để đối tượng chấp nhận hành vi mới. Chỉ rõ lợi ích của việc thay đổi hành vi, cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ, tư vấn và thúc đẩy hoạt động…
Tham gia lớp tập huấn, các phóng viên, biên tập viên hiểu và giải quyết được 3 định kiến giới sâu sắc trong sản phẩm báo chí; hiểu và ghi nhớ một số khái niệm cơ bản và hàm ý của các khái niệm về giới trong thực tiễn bao gồm: giới, giới tính, nhu cầu giới, vai trò giới, mù giới, nhạy cảm giới, trách nhiệm giới, bình đẳng giới, công bằng giới và tăng quyền năng cho phụ nữ; lồng ghép giới. Đồng thời biết các tiêu chí về chất lượng một sản phẩm báo chí và xác định tiềm năng cải thiện chất lượng sản phẩm báo chí đáp ứng yêu cầu nhạy cảm giới trong các sản phẩm báo chí; nhận diện được các biểu hiện "mù giới" và "nhạy cảm giới" trong các sản phẩm báo chí hiện có và đề ra giải pháp cải thiện chất lượng sản phẩm báo chí. Sau khóa học, các học viên sẽ được nâng cao khả năng lựa chọn các chủ đề bài báo nhằm thúc đẩy bình đẳng giới hoặc thách thức lại định kiến về giới.