Lịch thi đấu thuận lợi cho phép các tuyển thủ U22 Việt Nam có thời gian được nghỉ ngơi, hồi phục sau 2 trận đầu toàn thắng trước U22 Lào và U22 Singapore để tạm vượt lên dẫn đầu bảng B. Không chỉ vậy, cả ông thầy người Pháp và các trợ thủ trong Ban huấn luyện còn có dịp ra sân chiều nay để xem 2 đối thủ cạnh tranh trực tiếp, U22 Thái Lan và U22 Malaysia “sống mái” với nhau. Một trận đấu quan trọng, có thể quyết định tới cục diện đua tranh ở bảng đấu được dự báo rất khó lường. Thậm chí, không ít người dự báo tới khả năng có tới 3 đội bóng cùng được 9 điểm sau vòng đấu bảng và phải so đọ chỉ số phụ để xếp hạng.
Sau khúc dạo đầu với những đối thủ dễ chịu, đây chính là thời điểm có thể tạo ra bước ngoặt trong cuộc đua quyền lực giữa đương kim vô địch U22 Việt Nam, á quân U22 Thái Lan và U22 Malaysia. Chính vì vậy, việc thầy trò huấn luyện viên Troussier có quãng nghỉ tới 5 ngày và lại được “tọa sơn quan hổ đấu” chính là lợi thế, có thể giúp ông thầy người Pháp có thêm nhiều dữ liệu để phân tích đối thủ, trước khi bước vào 2 trận đấu mang tính quyết định.
Đã có không ít hoài nghi khi chứng kiến U22 Việt Nam vất vả và thậm chí còn có phần may mắn khi vượt qua U22 Lào ở trận đấu mở màn. Bản thân huấn luyện viên Troussier cũng thừa nhận việc các tuyển thủ U22 Việt Nam chưa thực sự quen với lối chơi mới, còn mắc nhiều sai sót và đang trong quá trình hoàn thiện. Tất nhiên, khó có thể đòi hỏi sự nhuần nhuyễn và trơn tru khi đội tuyển U22 Việt Nam vẫn đang tập “xếp hàng” dù đã đá 2 trận ở SEA Games. May mắn thay, 2 đối thủ U22 Lào và đặc biệt là U22 Singapore chưa đủ tầm và thực lực để gây khó cho U22 Việt Nam.
U22 Malaysia đã cho thấy sức mạnh và sự nguy hiểm khi đè bẹp U22 Lào với tỷ số đậm 5-1. Lối chơi tấn công mạnh mẽ, đặc biệt là khả năng xuyên phá từ hai biên và gây áp lực ngay trên phần sân đối phương… chính là thứ vũ khí mà Malaysia đã sử dụng để “áp chế” và không cho U22 Lào có cơ hội để chơi bóng theo đúng ý đồ của huấn luyện viên Michael Weiss. Chỉ cần nhìn vào trận đấu đó, cũng đủ để thấy U22 Malaysia không chỉ hơn hẳn U22 Việt Nam về thế trận áp đặt trước U22 Lào mà còn có đủ chiều sâu về đội hình để duy trì lối chơi kiểm soát suốt 90 phút.
Huấn luyện viên Troussier chắc chắn đang rất cần có thêm dữ liệu để phân tích đối thủ này và tìm cách để không rơi vào thế bị động như trong trận đấu mở màn trước U22 Lào, ghi bàn trước và bị đối phương ép ngược. Chơi theo kiểu đẩy 3 trung vệ lên cao để áp đặt như đá với U22 Singapore cũng không thực tế, bởi các cầu thủ U22 Malaysia không chỉ có tốc độ, thể lực sung mãn mà đẳng cấp cũng cao hơn Singapore một bậc. Thận trọng vẫn và điều nên làm với huấn luyện viên Troussier, trước tiên phải đảm bảo được sự chắc chắn cho U22 Việt Nam.
Tấn công theo bài không phải là điểm mạnh của các cầu thủ U22 Việt Nam, 2 trong số 3 bàn thắng ghi được vào lưới U22 Singapore đến từ các tình huống chuyển đổi trạng thái, dàn xếp phản công nhanh và tận dụng tốt sai lầm của đối thủ. Thực tế, huấn luyện Troussier cũng đã có những thay đổi để phát huy sức mạnh và duy trì sự cân bằng trong đội hình. Bóng đá đơn thuần chỉ là trò chơi tập thể, làm gì có triết lý này nọ, nghe thì có vẻ cao siêu nhưng nếu cứ đá theo bài mà không thắng thì sẽ trở thành sáo rỗng.
Đội tuyển U22 Việt Nam đang dẫn đầu bảng B với một chút lợi thế về tâm lý khi được thảnh thơi “tọa sơn quan hổ đấu”, nhưng quan trọng nhất vẫn phải dựa vào chính mình, có đủ bản lĩnh, quyết tâm và cả sự cộng hưởng của một tập thể để làm nên sức mạnh, từng giúp bóng đá Việt Nam hai lần liên tiếp vô địch SEA Games.