Tại kỳ họp lần này, đại biểu tới từ 32 quốc gia sẽ nghe Báo cáo của Cuộc họp Nhóm Đặc nhiệm Ủy ban Tài chính Khu vực châu Á (ARFC) và đóng góp cho WADA vào năm 2025; Cập nhật, trao đổi của các tổ chức chống doping khu vực châu Á/châu Đại Dương (RADO); Thông điệp chính từ Báo cáo của Người quan sát Độc lập về Đại hội Thể thao châu Á năm 2023, hướng tới Thế vận hội Paris 2024. Các đại biểu cũng xem xét và đóng góp ý kiến hoàn thiện Bộ luật chống doping thế giới 2027 cũng như các ưu tiên chiến lược của WADA trong thời gian tới. Đại hội sẽ xem xét việc bổ nhiệm thành viên Ban quản trị WADA Khu vực châu Á nhiệm kỳ 2025-2027.
Vào ngày 31/12/2024, nhiệm kỳ của một trong 4 thành viên đại diện cho khu vực châu Á trong Ban Quản trị WADA sẽ hết hiệu lực. Hiện tại, ghế này do đại diện của chính phủ Nhật Bản nắm giữ. Nhiệm kỳ tiếp theo của ghế thành viên này sẽ là giai đoạn từ ngày 01/01/2025 đến 31/12/2027.
Để phù hợp với tiêu chuẩn về thành viên đại diện cho Chính phủ trong Ban Quản trị WADA, ứng viên phải là Bộ trưởng hoặc cá nhân được cơ quan Chính phủ có liên quan của quốc gia chỉ định có cấp bậc tương đương Bộ trưởng. Trong trường hợp Chính phủ thay đổi trong nhiệm kỳ của quốc gia được bầu, quy định tương tự cũng áp dụng cho đại diện mới của quốc gia đó. Nếu được các Chính phủ châu Á nhất trí, Văn phòng WADA Khu vực châu Á/châu Đại Dương sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ hành chính cần thiết cho quy trình bầu cử năm 2024.
Cần lưu ý rằng ở các khu vực khác trên thế giới, quá trình bổ nhiệm đại diện của cơ quan công quyền vào Ban Giám đốc Quỹ WADA được các Chính phủ thực hiện thông qua Ban Thư ký của các tổ chức Chính phủ hiện có và sau đó WADA được thông báo về kết quả. Giao thức được thực hiện để bầu cử đại diện khu vực châu Á vào Ban Giám đốc Quỹ WADA là thông qua bỏ phiếu kín. Khi thời gian bỏ phiếu kết thúc, Văn phòng WADA Khu vực châu Á/châu Đại Dương sẽ thông báo bằng văn bản cho các quốc gia thành công và không thành công về kết quả bỏ phiếu.
Để được coi là ứng cử viên đủ điều kiện đại diện cho cơ quan công quyền khu vực châu Á trong Ban Giám đốc Quỹ WADA, các quốc gia phải đáp ứng 3 tiêu chí sau:
1. Đã thanh toán đầy đủ các khoản phí cho WADA trong 4 năm qua, bao gồm cả năm hiện tại (tức là 2021 đến 2024) trước ngày 30/6/2024;
2. Là quốc gia thành viên của Công ước quốc tế về chống doping trong thể thao của UNESCO (Công ước của UNESCO);
3. Bên ký kết Bộ luật chống doping thế giới tại quốc gia đó, tức là Tổ chức chống doping quốc gia (NADO), phải tuân thủ Bộ luật này.
Đối với điều kiện để bỏ phiếu - giống như tiêu chí đủ điều kiện để ứng cử, tuy nhiên, các quốc gia có thêm 3 tháng (đến ngày 30/9/2024) để nộp phí cho WADA. Hiện có 15/42 quốc gia châu Á đủ điều kiện để được đề cử làm ứng viên và bỏ phiếu tính đến ngày 16/5/2024, bao gồm: Bahrain, Bangladesh, Brunei Darussalam, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Kazakhstan, Malaysia, Maldives, Mông Cổ, Qatar, Saudi Arabia, Singapore, Uzbekistan và Việt Nam (Trung Quốc, Hàn Quốc và Saudi Arabia hiện mỗi nước giữ 1 ghế trong Ban quản trị Quỹ WADA nên họ không được đề cử làm ứng cử viên). Quá trình bầu cử để bổ nhiệm hoặc tái bổ nhiệm dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 01/07/2024 đến ngày 01/11/2024, để kịp thời công bố kết quả trước cuộc họp của Ban Quản trị WADA vào ngày 05/12/2024.