Theo Muhadjir Effendy, việc triển khai các vận động viên tham gia sự kiện nhiều môn thể thao không chỉ dựa trên khả năng giành huy chương của họ mà còn xem xét khả năng duy trì thành tích tốt của các vận động viên trong tương lai. Ông nói, SEA Games 2023 không phải là sự kiện cuối cùng mà Indonesia sẽ tham gia mà còn có một số sự kiện quốc tế khác cần được chuẩn bị. Những sự kiện này bao gồm Đại hội Thể thao châu Á và Thế vận hội - vốn đã trở thành mục tiêu chính trong Đại hội Thể thao quốc gia (DBON). SEA Games, theo ông, đóng vai trò là mục tiêu trung gian.
Effendy cho rằng, sự kiện nhiều môn thể thao được tổ chức 2 năm/lần sẽ trở thành bước đệm cho các vận động viên đạt thành tích cao hơn. Do đó, ông lưu ý, Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho một số vận động viên mà họ đánh giá là có triển vọng thi đấu ở SEA Games 2023, mặc dù các vận động viên này có thể không giành được huy chương. Sự tham gia của các vận động viên tại sự kiện lần này sẽ mang lại cho họ kinh nghiệm để tham gia vào những sự kiện quốc tế trong tương lai.
Kể từ SEA Games 31 tại Việt Nam, Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia đã triển khai các vận động viên trẻ có triển vọng, bên cạnh những vận động viên có khả năng giành huy chương. Do đó, số lượng vận động viên được tham gia SEA Games tại Việt Nam đã giảm đáng kể so với Đại hội ở Philippines năm 2019. Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia tiết lộ, họ tiến hành tuyển chọn rất nghiêm ngặt đối với các vận động viên dựa trên tiêu chí phát triển lâu dài và hướng tới các sự kiện quy mô lớn.