Huyện Thanh Miện đẩy mạnh công tác xã hội hóa để xây công trình văn hóa, thể thao

Huyện Thanh Miện là điển hình của tỉnh Hải Dương trong việc tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp công của để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao công cộng. Hiện nay, có 53/83 thôn, khu dân cư trên địa bàn huyện lắp đặt được hệ thống luyện tập thể dục thể thao ngoài trời. Tổng số dụng cụ được lắp đặt là 273 bộ với kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Trong đó 1,3 tỷ đồng do nhân dân tự nguyện đóng góp.

Thôn Cao Lý - xã Cao Thắng vừa đưa sân vận động có diện tích trên 2.000m2 với kinh phí xây dựng gần 200 triệu đồng vào sử dụng. Toàn bộ số tiền trên đều do nhân dân địa phương tự nguyện đóng góp, ủng hộ. Trước đây sân vận động thôn Cao Lý nằm ở khu vực trũng, thoát nước kém nên hay bị ngập úng. Các hoạt động thể dục thể thao vì thế không được tổ chức thường xuyên. Để cải tạo lại sân, nhân dân trong thôn đã phải sử dụng hơn 800m3 đất để san lấp; xây dựng lại hệ thống thoát nước, đèn chiếu sáng và lưới bao quanh.

hd-1699972607.jpg
Thôn Cao Lý - xã Cao Thắng xã hội hóa được gần 200 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp sân vận động

Thời gian qua, xã Cao Thắng là điểm sáng của huyện Thanh Miện trong việc vận động xã hội hóa để xây dựng các công trình văn hóa, thể thao công cộng. Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10, nhân dân trong xã đã đóng góp trên 100 triệu đồng để lắp đặt 27 bộ dụng cụ tập luyện thể thao ngoài trời. Riêng thôn Hoà Bình đã huy động được gần 1 tỷ đồng để sửa chữa, cải tạo nhà văn hóa, sân vận động thôn, lắp đặt hệ thống đèn điện chiếu sáng... Các công trình văn hóa, thể thao công cộng được đưa vào sử dụng đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, luyện tập thể dục thể thao và vui chơi giải trí của nhân dân.

Là địa phương phát triển nhanh, thu nhập bình quân đầu người ở mức cao nên xã Chi Lăng Nam có nhiều thuận lợi trong việc vận động xã hội hóa. Năm 2023, xã đã vận động được 265 triệu đồng để cải tạo hạ tầng, mua sắm trang thiết bị luyện tập thể dục thể thao ở tất cả nhà văn hóa thôn. Hiện mỗi ngày các điểm luyện tập thể thao này thu hút hàng chục người tham gia. Cũng nhờ có hạ tầng đầy đủ nên các câu lạc bộ bóng đá, bóng chuyền hơi, dân vũ ở địa phương này phát triển nhanh về cả số lượng lẫn chất lượng.

Để về đích nông thôn mới nâng cao, xã Đoàn Tùng đã huy động mọi nguồn lực để hoàn thiện các tiêu chí. Năm 2023, xã vận động xã hội hóa được trên 1,7 tỷ đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn, cải tạo lại 3 nhà văn hóa và lắp thêm 1 công trình thể thao với 44 bộ dụng cụ tập luyện. Đến nay, địa phương này đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới nâng cao. 

hd-2-1699972663.jpg
Xã Đoàn Tùng đưa vào sử dụng 44 bộ dụng cụ tập luyện thể dục thể thao từ nguồn xã hội hóa

Chùa Phí Thanh Xá, xã Lê Hồng là di tích lịch sử cấp tỉnh nhưng do xây dựng từ lâu nên đã xuống cấp nghiêm trọng. Được sự hỗ trợ của quần chúng nhân dân, di tích này đã được trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí trên 2,7 tỷ đồng. Vừa qua, địa phương này còn đưa vào sử dụng 44 bộ dụng cụ luyện tập thể thao ở tất cả các thôn với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng. Hiện xã Lê Hồng đã hoàn thành 17/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao và sẵn sàng về đích trong năm nay.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện hiện có nhiều công trình tôn giáo, nhà văn hóa, sân vận động... được nâng cấp, cải tạo từ nguồn xã hội hóa. Một số địa phương điển hình trong phong trào xã hội hóa các công trình văn hóa, thể thao như: Cao Thắng, Lê Hồng, Đoàn Tùng, Chi Lăng Nam, Chi Lăng Bắc...

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ từ nguồn xã hội hóa đã góp phần đưa các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở phát triển mạnh mẽ. Đây cũng là nhân tố quan trọng giúp các địa phương về đích nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư lắp đặt các dụng cụ tập luyện thể dục thể thao cho người dân ở các điểm công cộng. 

Đỗ Quyết (Báo Hải Dương)