Hà Nội sẽ chi khoảng 1.133 tỷ đồng hỗ trợ học phí năm học 2022-2023

Ngày 9/9, Chánh Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Việt thông tin, ngày 12/9/2022, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ tổ chức kỳ họp thứ chín (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua một số nội dung thuộc thẩm quyền.

Các nội dung dự kiến xem xét, thông qua tại kỳ họp, gồm: Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố; Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, Kế hoạch đầu tư công năm 2022 và định hướng kế hoạch đầu tư công năm 2023 của thành phố; Phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố; 

HĐND thành phố Hà Nội cũng xem xét: Quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố; Quy định mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023; 

Quy định cơ chế hỗ trợ học phí đối với một số đối tượng trẻ em mầm non và học sinh phổ thông của thành phố Hà Nội năm học 2022-2023; Quy định một số nội dung chi và mức chi thuộc thẩm quyền; Điều chỉnh tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2022 và phân bổ biên chế giáo viên năm học 2022-2023 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

5587-1662731382.jpg
Đại diện các Sở, ngành báo cáo tại buổi thẩm tra.

Sáng 9/9, để phục vụ cho kỳ họp, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức thẩm tra các nội dung thuộc lĩnh vực văn hóa - xã hội, trong đó có 2 lĩnh vực quan trọng đang được dư luận quan tâm.

Hỗ trợ công chức, viên chức, lao động y tế khoảng 257 tỷ đồng

Về Quy định mức hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố Hà Nội, nội dung này dự kiến được xem xét tại kỳ họp thứ bảy, HĐND thành phố, nhưng đã được lùi lại để rà soát kỹ lưỡng, bảo đảm việc hỗ trợ thể hiện được sự ghi nhận, quan tâm của thành phố trước sự đóng góp, cống hiến của công chức, viên chức, lao động hợp đồng lĩnh vực y tế tại các cơ quan, đơn vị công lập trực thuộc thành phố; phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Trung ương về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

Đây là chủ trương, việc làm ý nghĩa, nhằm tiếp tục đồng hành cùng cán bộ y tế khắc phục khó khăn trong giai đoạn phòng chống đại dịch COVID-19, qua đó giúp cán bộ y tế yên tâm công tác, phục vụ tốt nhất chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ khoảng 257 tỷ đồng.

Hỗ trợ học phí năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng

Về mức học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2022-2023, HĐND thành phố sẽ thảo luận và quyết định trên cơ sở tờ trình của UBND thành phố, với dự kiến nội dung như sau: Xác định việc áp dụng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ là việc bắt buộc thực hiện theo lộ trình nhằm từng bước nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo, nhưng tại thời điểm này thành phố quy định theo mức sàn (là mức thấp nhất) của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, đồng thời dùng ngân sách thành phố để bù đắp phần chênh lệch để phụ huynh sẽ không phải đóng góp; 

Đặc biệt trong bối cảnh sau 2 năm đại dịch đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, thành phố tiếp tục hỗ trợ 50% học phí cho cả năm học 2022-2023 như mức hỗ trợ năm học 2021-2022 và cho rà soát 100% đối tượng, mở rộng thành phần học sinh thuộc diện yếu thế, gia đình chính sách, gia đình khó khăn để thực hiện chính sách hỗ trợ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo quy định.

Dự kiến tổng mức ngân sách thành phố hỗ trợ năm học 2022-2023 khoảng 1.133 tỷ đồng. Trong quá trình thực hiện, trường hợp Chính phủ quyết định giữ nguyên hoặc miễn giảm mức học phí năm học 2022-2023 thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.

“Có thể khẳng định, đây là những chính sách đặc thù, kịp thời, thiết thực của thành phố trong suốt 2 năm phòng chống đại dịch COVID-19, qua đó tiếp tục chia sẻ với nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tạo sự đồng thuận để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô sau đại dịch”, đồng chí Nguyễn Ngọc Việt nhấn mạnh thêm.

Triển khai kế hoạch năm học 2022-2023 linh hoạt, tạo thuận lợi cho học sinh 

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ban hành Chỉ thị số 17/CT-UBND về thực hiện nhiệm vụ chủ yếu năm học 2022-2023 của thành phố Hà Nội.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, các tổ chức chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, phối hợp với ngành Giáo dục Thủ đô thực hiện tốt chủ đề năm học 2022-2023: “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các quận, thị xã tổ chức, chỉ đạo các đơn vị giáo dục và đào tạo thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện nghiêm Chỉ thị số 1112/CT-GDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023, trong đó tập trung vào 10 nội dung gồm: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước; tham mưu, xây dựng, trình UBND thành phố ban hành và tổ chức triển khai các chiến lược, kế hoạch, nhiệm vụ, chương trình để cụ thể hóa chủ trương, định hướng phát triển giáo dục và đào tạo; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; biên soạn chương trình tích hợp các trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục thể chất trong trường phổ thông; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; thu hút, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường hội nhập quốc tế.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2022-2023 linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh vừa học tập, vừa bảo đảm sức khỏe, vừa hoàn thành chương trình giáo dục theo kế hoạch và bảo đảm chất lượng, phù hợp trong tình huống cụ thể của dịch COVID-19; triển khai hiệu quả công tác giáo dục thể chất và y tế trường học, bảo đảm an toàn học, phòng, chống dịch bệnh và tai nạn thương tích.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạo có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị có liên quan giải quyết vấn đề thiếu không gian sinh hoạt thể thao ở các trường học tại khu vực nội thành; xây dựng môi trường giáo dục nhân văn, an toàn, lành mạnh, thân thiện, không có bạo lực học đường; chú trọng giáo dục phẩm chất, nhân cách, văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội đi đôi với đào tạo năng lực nhận thức, tư duy đổi mới, sáng tạo cho người học, nâng cao thể lực và tầm vóc học sinh Hà Nội; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội; có giải pháp ổn định tâm lý, tư tưởng học sinh, sinh viên bị tác động do tình hình dịch bệnh kéo dài.

Liên quan đến vấn đề giáo viên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giao Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp trường, lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và biên chế được giao theo quy định; thực hiện kịp thời và đầy đủ các chế độ, chính sách đối với đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên; bố trí đủ giáo viên dạy các môn ngoại ngữ và tin học để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 3.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đúng yêu cầu đề ra.

C.P