Nhà tài trợ của câu lạc bộ Quảng Nam là Công ty cổ phần đầu tư QNK Quảng Nam dọa sẽ trả lại đội bóng đang thi đấu tại giải hạng Nhất, cùng toàn bộ hệ thống đào tạo bóng đá trẻ được chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý theo mô hình chuyên nghiệp từ năm 2011 về lại cho tỉnh lo liệu, nếu không nhận được khoản hỗ trợ 17 tỷ đồng mỗi năm từ ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 05 của Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Lấy tiền ngân sách ra tài trợ cho câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp là việc làm trái quy định. Vì thế, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu chấm dứt cũng là chuyện lẽ ra phải làm từ lâu. Câu lạc bộ QNK Quảng Nam được chuyển giao cho doanh nghiệp từ năm 2011, nhưng tỉnh vẫn tiếp tục hỗ trợ, thậm chí với số tiền lấy từ ngân sách tăng dần theo từng mùa bóng, từ mức 10 tỷ đồng mỗi mùa giải trong những năm đầu, lên 13,5 tỷ đồng, rồi 16 tỷ đồng và đến năm 2020 tiếp tục nâng lên 17 tỷ đồng. Thậm chí, để nhà tài trợ yên tâm, Hội đồng Nhân dân tỉnh còn thông qua nghị quyết 05 vào ngày 13/1/2021, quy định mức hỗ trợ kinh phí đào tạo bóng đá trẻ cho câu lạc bộ bóng đá Quảng Nam từ năm 2021 tới tận năm 2025 với số tiền 17 tỷ đồng và tăng lên 18 tỷ đồng trong 3 năm cuối.
Tính ra, từ năm 2012 đến nay, ngân sách tỉnh Quảng Nam đã chi ra 152 tỷ đồng hỗ trợ cho câu lạc bộ bóng đá QNK Quảng Nam, dù đã được chuyển giao cho doanh nghiệp và đăng ký hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp. Đấy là chưa kể tới các khoản đầu tư nâng cấp sân bãi, các công trình phụ trợ và nơi ăn, chỗ ở cho các tuyến trẻ… Đội bóng QNK Quảng Nam dù bất ngờ giành được ngôi vô địch V.League 2017, nhưng vì không đạt chuẩn nên không được tham dự AFC Champions League 2018. Đội bóng xứ Quảng dù nhận tiền hỗ trợ đào tạo trẻ từ ngân sách, nhưng vẫn không đáp ứng được tiêu chí đào tạo trẻ theo quy định của AFC. Cụ thể, không có đội trẻ U17 tham dự giải quốc gia, chưa kể sân Tam Kỳ cũng không đủ điều kiện tổ chức các trận đấu ở cúp châu Á, nên dù có được đặc cách cho tham dự vẫn phải mượn sân Hòa Xuân của SHB Đà Nẵng để thi đấu.
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi và bổ sung năm 2023 nói rõ: “Kinh phí hoạt động của câu lạc bộ có thể từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng phải có nguồn gốc hợp pháp và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán”. Việc dùng tiền ngân sách hỗ trợ cho các câu lạc bộ chuyên nghiệp trái với các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ngân sách nhà nước nên không chỉ riêng Quảng Nam mà Đà Nẵng, Hải Phòng hay bất cứ câu lạc bộ chuyên nghiệp nào khác cũng phải tuân thủ và nghiêm túc thực hiện.
Các câu lạc bộ hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, được doanh nghiệp quản lý, sở hữu, đỡ đầu hay tài trợ… đều phải tự chủ về tài chính, không thể bấu víu vào ngân sách nhà nước mãi được. Công ty cổ phân đầu tư QNK Quảng Nam dù đã gắn bó với bóng đá xứ Quảng hơn chục năm qua, bỏ ra năm, bảy trăm tỷ đồng đầu tư vào bóng đá, nếu giờ cảm thấy không thể kham nổi thì cũng đâu còn cách nào khác, ngoài việc trả lại đội bóng. Tỉnh Quảng Nam cũng đâu có thể lấy tiền ngân sách hỗ trợ cho câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp mãi khi Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu phải dừng ngay.
Quảng Nam muốn giữ lại đội bóng chơi ở giải chuyên nghiệp vẫn nên tính trước để không bị động khi nhà tài trợ rút lui, như trường hợp của Cần Thơ ở mùa giải trước, đá chưa xong giải đã mất phương hướng, gắng gượng đến mùa giải năm nay thì đành giải thể, chấp nhận xuống đá phong trào cho đỡ tốn kém. Mang tiếng là câu lạc bộ chuyên nghiệp mà cứ trông chờ vào ngân sách Nhà nước, đã được hỗ trợ hơn chục năm mà vẫn chưa thể tự lo được thì sớm muộn gì cũng phải buông tay chứ tiền nào nuôi được mãi.