Thói quen phản ứng với trọng tài có lẽ đã ở trong tiềm thức của cả các huấn luyện viên và gây ảnh hưởng tới thái độ ứng xử của cầu thủ. Không cần quan tâm, phân biệt đúng hay sai, hễ không vừa ý là ngay lập tức phản ứng với các quyết định của trọng tài. Cụ thể trong tình huống bắt việt vị và không công nhận bàn thắng của trọng tài Trần Ngọc Ánh, dù Lương Quốc Thắng đánh đầu ghi bàn, nhưng đồng đội của anh đang ở vị trí việt vị đã nhảy lên tranh chấp và tham gia vào pha bóng nên bàn thắng không được công nhận là hoàn toàn đúng luật.
Phản ứng với trọng tài chỉ là cái cớ để đổ lỗi, trút bỏ trách nhiệm và sự kém cỏi cho người ngoài, đáng tiếc lại là thói quen của không ít huấn luyện viên. Tấm thẻ đỏ mà huấn luyện viên Lê Thanh Xuân của Bình Phước phải nhận là còn nhẹ khi đã có những hành động và phản ứng tiêu cực uy hiếp trọng tài. Hoàn toàn không phải là giọt nước tràn ly, hô hoán bị trọng tài xử ép để bao biện cho những hàng động phi thể thao.
Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam cần phải xem xét thấu đáo và xử lý nghiêm để không tái diễn sự việc tương tự. Các trọng tài được Ban Tổ chức giải, VPF mời làm nhiệm vụ, có thể đúng hoặc sai chỉ có Ban Trọng tài mới có quyền phán xét. Chỉ nói vài câu phê bình, chỉ trích trong phòng họp báo như huấn luyện viên Vũ Tiến Thành ngay lập tức bị phạt 10 triệu đồng, thì với những gì đã diễn ra trên sân Hòa Bình ở giải hạng Nhất hôm 15/4 không thể chỉ xem như giọt nước tràn ly rồi “giơ cao đánh khẽ”.