Đội tuyển Việt Nam: Huấn luyện viên Philippe Troussier là sự lựa chọn tốt nhất 

Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khẳng định, việc lựa chọn tân huấn luyện viên đội tuyển và U23 Việt Nam đã được cân nhắc kỹ lưỡng và tiến hành một cách cẩn trọng với quy trình rất chặt chẽ. Trong số hơn chục ứng viên, huấn luyện viên Philippe Troussier là người phù hợp nhất, nhận được sự đồng thuận và thống nhất cao để dẫn dắt đội tuyển và U23 Việt Nam hướng tới những mục tiêu trong hơn 3 năm tới. 

kinh-nghiem-phong-phu-va-kha-nang-phat-trien-bong-da-tre-la-diem-manh-cua-huan-luyen-vien-philippe-troussier-1676694637.jpg
Kinh nghiệm phong phú và khả năng phát triển bóng đá trẻ là điểm mạnh của huấn luyện viên Philippe Troussier

Tính từ thời huấn luyện viên Edson Tavares, lần đầu đến Việt Nam vào năm 1995 và trở thành huấn luyện viên nước ngoài đầu tiên, đội tuyển Việt Nam đã qua tay hơn chục ông thầy ngoại, có thành công nhhưng thất bại cũng nhiều. Huấn luyện viên người Brazzil, Tavares thực ra chỉ mới kịp làm quen với đội tuyển Việt trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi bất ngờ chia tay để mở đường cho ông thầy  người Đức, Karl Heiz Weigang tiếp quản đội tuyển trong gần 3 năm. Thực ra, Weigang từng là người cũ, giúp đội tuyển miền nam Việt Nam đoạt chức vô địch Cúp Merdeka từ năm 1966 và sự trở lại của ông đã mở đường cho đội tuyển Việt Nam khẳng định vị trí ở sân chơi Đông Nam Á. 

Chia tay với Weigang, đội tuyển Việt  Nam lại được dẫn dắt bởi huấn luyện viên người Anh, ông Colin Myrphy nhưng không phù hợp nên sớm chia tay để mở đường cho huấn luyện viên người Áo, Alfred Riedl lên thay. Sau 3 năm gắn bó với thành tích về nhì, đội tuyển chia tay thầy Áo để đón “ông giáo” Pháp, Christian Letard, giỏi luật nhưng thiếu thực tế. Bản hợp đồng 2 năm vừa được ký, nhưng chỉ vài tháng sau buộc phải thanh lý hợp đồng sớm khi nhận ra Letard chỉ rành về lý thuyết còn kinh nghiệm thực tế kém xa thầy nội. Trước ông thầy người Pháp, VFF còn “dở khóc dở cười” với huấn luyện viên mê nhạc Jazz hơn bóng đá, Edson Dido Silva đến từ Brazil. 

huan-luyen-vien-park-hang-seo-la-nguoi-thanh-cong-nhat-trong-so-nhung-ong-thay-ngoai-tung-dan-dat-doi-tuyen-viet-nam-1676694739.jpg
Huấn luyện viên Park Hang-seo là người thành công nhất trong số những ông thầy ngoại từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam

Sau những lần dang dở, VFF chọn giải pháp an toàn, mời huấn luyện viên Bồ Đào Nha, ông Calisto đang dẫn dắt câu lạc bộ Đồng Tâm Long An lên đội tuyển nhưng cũng không thành công nên đành mời lại thầy cũ Riedl vào năm 2003, đến năm 2004 lại thay bằng Tavares và tiếp tục quay trở về với “chuyên gia về nhì” Riedl vào năm 2005. Mãi đến năm 2008, sau nhiều lần lỡ hẹn, huấn luyện viên Henrique Calisto trở lại và lập tức đem về chiếc cúp vô địch AFF Cup lần đầu tiên. Sau đó, đội tuyển còn qua tay ông thầy Đức, Falko Götz rồi chuyển giao cho thầy Nhật, Toshiya Muira trước khi gặt hái thành công rực rỡ dưới thời huấn luyện viên người Hàn Quốc, Park Hang-seo trong 5 năm liên tiếp.

Di sản và tầm ảnh hưởng của ông Park khiến bất cứ ai ngồi vào ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam đều cảm thấy áp lực và cả thách thức sau chu kỳ thành công. Mặc dù huấn luyện viên Philippe Troussier được xem là người phù hợp nhất để tiếp quản đội tuyển thời hậu Park Hang-seo, câu trả lời chính xác nhất chỉ đến từ thực tế. Không đơn giản chỉ là kế thừa và tiếp nối những thành công mà tân huấn luyện viên đội tuyển và U23 Việt Nam phải đem đến những thay đổi mạnh mẽ để hướng đến những mục tiêu mới, không chỉ ở sân chơi khu vực mà cả World Cup.

Đan Phượng