Trước khi tham dự Vòng chung kết tại Saudi Arabia, đội tuyển U17 Việt Nam đã có quãng thời gian tập huấn tại Oman - nơi chúng ta đã thi đấu giao hữu 2 trận với đội tuyển U17 Oman và giành chiến thắng 1-0 trong cả 2 trận đấu này. Đây là động lực quan trọng giúp các cầu thủ tự tin hơn khi bước vào giải đấu chính thức.
Dựa trên những kết quả giao hữu trước giải, U17 Việt Nam hoàn toàn có thể tự tin khi chạm trán U17 UAE, đội bóng có lối chơi và trình độ tương đương với U17 Oman. Trong khi đó, U17 Úc tuy được biết đến với những cầu thủ chuyên nghiệp chất lượng khi trưởng thành, nhưng hệ thống bóng đá trẻ của họ không thực sự vượt trội. Các cầu thủ trẻ Úc chủ yếu chơi cho các trường trung học hoặc đội bóng nghiệp dư trong nước, do đó không hẳn đã hơn các cầu thủ Việt Nam về kỹ năng hay kinh nghiệm thi đấu.

Hồi năm 2013 và 2014, lứa U19 Việt Nam từng gây ấn tượng khi liên tiếp đánh bại U19 Úc, nhờ vào lối chơi nhanh nhẹn, kỹ thuật và khéo léo. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại tại giải U17 châu Á 2025.
Đội tuyển U17 Nhật Bản được xem là ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch và là đội mạnh nhất bảng. Tuy nhiên, nếu U17 Việt Nam thi đấu tốt 2 trận gặp U17 Úc và U17 UAE, chúng ta hoàn toàn có cơ hội giành vé vào tứ kết. Theo Điều lệ giải, 2 đội dẫn đầu mỗi bảng sẽ bước tiếp vào vòng 8 đội mạnh nhất.
Ngoài mục tiêu vào tứ kết, động lực lớn nhất dành cho các đội bóng trẻ là việc giành vé tham dự Vòng chung kết World Cup U17 2025 tại Qatar. Tám đội lọt vào tứ kết cũng chính là những đội đại diện châu Á tham dự sân chơi thế giới.