Môn thể thao dân tộc hấp dẫn
Xuất phát từ môn thể thao đầy trí tuệ và nghệ thuật là cờ Tướng, cờ Người có Luật chơi như cờ Tướng với đầy đủ các tướng, sĩ, tượng, xe, pháo, mã và tốt. Nhưng thay vì đặt bàn cờ trên bàn với những quân cờ bằng gỗ hay ngà, thì bàn cờ người được vẽ vuông vức trên khoảng sân rộng với 32 quân cờ là 32 võ sinh. Các võ sinh cầm trên tay những vũ khí như: gươm, đao, mác, kiếm… và được điều khiển bởi 2 kỳ thủ ngồi trên chòi.
Trước giờ thi đấu, bên ngoài bàn cờ người, cổ động viên “tiếp sức” cho đội mình bằng những hồi trống, tiếng chiêng liên hồi làm cho không khí trở nên sôi động. Quá trình thi đấu, khi kỳ thủ ngồi trên chòi điều khiển quân cờ (điều khiển bằng 3 thuật ngữ: “tấn”, “bình”, “thoái”) thì tiếng trống lệnh vang lên, quân cờ phải xuất tiến bằng các thế võ như: đứng tấn, múa đao, giáo, mác, đi một bài quyền... Trong khi đó, mỗi nước cờ ăn quân được gắn liền với thế võ tương ứng khác nhau.
Khi quân của một trong 2 bên bị sát hạ thì hồi trống cũng vang lên theo nhịp trống sát. Quân cờ thua sẽ bị loại khỏi cuộc chơi, phải ngồi về phía sau bàn cờ của đối phương. Còn khi một trong 2 kỳ thủ rơi vào thế bí, không chịu xuất quân thì hồi trống thúc giục vang lên liên hồi, nếu kỳ thủ không thể xuất quân sẽ bị xử thua.
Càng về sau, khi các quân cờ càng thưa dần cũng là lúc cuộc cờ thêm căng thẳng. Những quân cờ chủ chốt còn lại, tùy theo từng thế cờ nhất định để di chuyển, thi triển các thế võ khác nhau. Tính hấp dẫn vì thế cũng tăng dần, tạo những cao trào nhiều cung bậc cảm xúc. Nhiều ván cờ còn là sự tái hiện của những trận chiến, những trận đánh oai hùng trong lịch sử với các chiến thuật cực kỳ cao thâm khó lường.
Để thực hiện được nước cờ theo từng thế võ, đòi hỏi các võ sinh không chỉ am hiểu võ cổ truyền mà còn có những kiến thức cơ bản về kỳ thuật. Vì vậy, để được chọn vào đội thi đấu cờ người, các võ sinh phải được huấn luyện võ thuật rất nhuần nhuyễn, công phu. Mỗi trận cờ Người đều có người điều khiển và bình luận, thường là một cao thủ cờ Tướng. Một trận đấu thường kéo dài 2 giờ đồng hồ, nếu sau thời gian này vẫn “bất phân thắng bại” thì người điều khiển sẽ hội ý 2 cao thủ với 2 phương án, một là bốc thăm để phân chia thắng bại, hai là cả 2 nhận kết quả hòa. Vì thi đấu dưới hình thức biểu diễn, giao lưu học hỏi kinh nghiệm nên kết thúc trận đấu, cả 2 bên đều được trao giải nhằm động viên tinh thần của các kỳ thủ và võ sinh.
Nét văn hóa đặc trưng của cờ Người ở đất Võ, vùng Mỏ
Mỗi dịp đầu Xuân, nhiều địa phương ở tỉnh Bình Định lại rộn ràng với môn thể thao cờ Người. Đó là sự kết hợp giữa cờ Tướng và Võ thuật. Những trận cờ Người đã tôn thêm những nét văn hóa đặc trưng của Bình Định. Trước đây, hội cờ Người phổ biến khắp các làng quê ở tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hội cờ Người dần mai một. Mãi đến năm 2006, võ sư Lê Xuân Cảnh (phường Nhơn Hưng - thị xã An Nhơn) mới quyết định khôi phục lại trò chơi dân gian này tại phường Nhơn Hưng. Võ sư Cảnh có sáng kiến đưa biểu diễn, thi đấu võ cổ truyền vào hình thức chơi cờ Người, để hội cờ càng thêm sinh động và hấp dẫn hơn. Cũng từ đó, võ sư Lê Xuân Cảnh và học trò được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi trong tỉnh Bình Định. Nhận thấy trò chơi dân gian này có sức thu hút nên một số địa phương trong tỉnh bắt đầu khôi phục. Các địa phương như: An Nhơn, Quy Nhơn, Tuy Phước… vào những ngày đầu Xuân luôn tổ chức biểu diễn, thi đấu cờ Người nhằm khôi phục lại trò chơi, nét văn hóa dân gian đặc sắc này.
Đến với hội cờ Người ở Bình Định, người xem được thưởng ngoạn những màn thi đấu võ thuật độc đáo như một cuộc đối kháng thật sự, chứ không chỉ đơn thuần là những màn biểu diễn. Tuy nhiên, dù là một môn thể thao đấu trí và có sự thắng thua, nhưng trong trận đấu cờ Người ở Bình Định, cuộc chơi thường đem lại những tiếng cười sảng khoái, những niềm vui hòa lẫn trong không khí háo hức của lễ hội mùa Xuân…
Ở vùng đất Mỏ Quảng Ninh, môn cờ Người đã xuất hiện từ lâu trong những dịp lễ hội, đình đám... ở một số địa phương như: Yên Hưng, Hạ Long, Cẩm Phả... nhưng hình thức thi đấu còn đơn giản. Thời gian gần đây phong trào thi đấu cờ Người ở Quảng Ninh đã phát triển rộng rãi ở các địa phương và trong các doanh nghiệp ngành Than. Điển hình cho phong trào cờ Người ở Quảng Ninh phải kể đến thành phố Cẩm Phả - nơi vẫn được coi là “cái nôi cờ” của tỉnh. Ở đây cờ Người đã trở thành môn thể thao truyền thống với tên gọi trang trọng: Lễ hội cờ Người. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào ngày mồng 2 Tết âm lịch, không chỉ có tính thể thao mà còn mang đậm nét văn hoá lễ hội. Nhìn những bộ trang phục dân tộc được các nam, nữ thanh niên công nhân “đóng thế” trong vai những “tướng ông - tướng bà” di chuyển theo nhịp trống rộn ràng, khán giả cảm thấy không khí mùa Xuân lan toả cả một vùng dân cư, nơi doanh nghiệp đóng quân...