Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng có đề cập đến vấn đề về Chính sách đặc thù, thu hút đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

van-hoa-dan-toc-1717553032.jpg
Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Ảnh minh họa

Những kết quả tích cực

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, thời gian qua nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành theo thẩm quyền các đề án, chương trình. Cụ thể: Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam giai đoạn 2020-2030”; Đề án “Tổ chức định kỳ Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021-2030”;

Đề án “Chương trình hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”;

Triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I”: Từ năm 2021 đến năm 2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao nhiệm vụ triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành Hướng dẫn số 1684/HD-BVHTTDL ngày 28/4/2023 hướng dẫn triển khai thực hiện Dự án 6. Đến thời điểm hiện tại, các nhiệm vụ của Dự án 6 đang được triển khai trên địa bàn các tỉnh, huyện, xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, bước đầu đạt được những kết quả nhất định.

Đối với lĩnh vực thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký kết Chương trình phối hợp công tác với Ủy ban Dân tộc giai đoạn 2021-2025 (số 1484/CTPH-UBDT-BVHTTDL ngày 05/10/2021). Thông qua việc tuyên truyền, tổ chức Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch, nghiên cứu, xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển các môn thể thao dân tộc của vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: môn Tung Còn tại Sơn La, môn Tù lu “Chơi quay” tại Lai Châu, môn Đẩy gậy tại Bắc Kạn, môn Đi cà kheo tại Nghệ An, môn Đá lợn tại tỉnh Hà Giang, môn Lày Cỏ tại tỉnh Cao Bằng… nhằm bảo tồn, gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, từ năm 2022, các môn thể thao dân tộc như: Võ cổ truyền, Vovinam, Đẩy gậy, Kéo co, Vật dân tộc, Lân sư rồng được đưa vào chương trình Đại hội Thể thao toàn quốc, trên tinh thần ưu tiên các môn thể thao truyền thống làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao.

hoi-thi-the-thao-cac-dan-toc-thieu-so-toan-quoc-ttxvn-1717552713.jpg
Các vận động viên tranh tài ở môn Đẩy gậy. Ảnh: TTXVN

Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Thể dục, Thể thao tổ chức xây dựng 03 mô hình bảo tồn, phát huy các môn thể thao truyền thống, thể thao đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với lĩnh vực du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp, định hướng, góp ý với các địa phương trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ cho hoạt động du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tham gia ý kiến trong xây dựng các chiến lược, đề án, kế hoạch… phát triển du lịch của các địa phương, trong đó có vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa…; định hướng trong xây dựng sản phẩm đặc thù và quảng bá du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang nghiên cứu, hoàn thiện Đề án phát triển Du lịch cộng đồng, trong đó có đề xuất một số chính sách ưu tiên cho phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025, trong năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam triển khai 5 nhiệm vụ: Tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ khách du lịch; Tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Sản xuất video clip hỗ trợ tuyên truyền quảng bá rộng rãi giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số và miền núi; Tổ chức chương trình giới thiệu, trưng bày di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Xây dựng chuyên trang quảng bá du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên website du lịch quốc gia.

Tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong công tác phát triển du lịch nông thôn trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư cho hoạt động Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 

Về việc thu hút đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, việc thu hút đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và du lịch trong cả nước nói chung, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng còn gặp một số khó khăn nhất định, cụ thể:

Lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch không thuộc nhóm ngành nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, không thuộc nhóm lĩnh vực được áp dụng đầu tư theo phương thức PPP theo quy định của Luật PPP. Vừa qua, Quốc hội đã thông qua một số Nghị quyết về cơ chế chính sách đặc thù cho các địa phương, trong đó cho thí điểm thực hiện hình thức đầu tư PPP đối với lĩnh vực văn hóa (tại TP.HCM, Nghệ An).

Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định các khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế là các khoản tài trợ cho giáo dục, y tế, nghiên cứu khoa học, khắc phục hậu quả thiên tai…, không có lĩnh vực văn hoá. Hiện tại, dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo đã đề cập nội dung này; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công hiện chưa có quy định chi tiết về tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, hạ tầng thể thao.

Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được thường xuyên, hiệu quả do thiếu thiết chế văn hóa, thể thao tại cơ sở; thiếu đội ngũ cán bộ, cộng tác viên, hướng dẫn viên thể dục thể thao cơ sở nên chưa đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh phong trào tập luyện các môn thể thao dân tộc...

chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-ve-van-hoa-1717553904.jpg
Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035 sẽ tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện trong phát triển văn hóa. Ảnh minh họa

Đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao mang tính đặc thù

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng kính đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến và phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035.

Đề nghị các Bộ, ngành tiếp tục quan tâm tới lĩnh vực văn hoá trong quá trình rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các chính sách ưu đãi đầu tư, chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, cơ chế tài chính cơ chế khuyến khích sáng tạo trong các luật chuyên ngành để tạo điều kiện huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển văn hoá.

Đề xuất xây dựng chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công đối với tài sản kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao mang tính đặc thù; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, hoàn thiện quy định về dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước bảo đảm đồng bộ, phù hợp với thực tiễn.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2045.

Đề nghị các địa phương tiếp tục tích hợp quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch của tỉnh, bố trí quỹ đất cho các thiết chế này ở các vị trí phù hợp; ưu tiên quỹ đất phát triển thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục, thể thao, hưởng thụ văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Xây dựng, lựa chọn và phổ biến các mô hình tổ chức hoạt động thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả, phù hợp với vùng miền, địa phương, dân tộc, đối tượng. Nâng cao năng lực và trách nhiệm của đội ngũ quản lý, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa đạt chuẩn từ Trung ương đến cơ sở.

T.H