Câu lạc bộ Thanh Hóa đổ nợ, cầu thủ bỏ tập gửi đơn khiếu nại đòi quyền lợi

Có tổng cộng 18 cầu thủ đang thi đấu cho câu lạc bộ Thanh Hóa đã ký vào đơn khiếu nại, gửi tới Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), Ủy ban Nhân dân tỉnh và câu lạc bộ Thanh Hóa để đòi nợ tập thể và liệt kê các khoản lương, thưởng, phí chuyển nhượng… lên tới gần 17 tỷ đồng ngay trước thềm mùa giải V.League 2024-2025.

thanhhoa-hano2023-24-26-1722909228.jpg
Thanh Hóa vừa đoạt Cúp Quốc gia 2023-2024 nhưng bỏ không dự Cúp C2 châu Á

Kịch bản tương tự cũng xuất hiện ở câu lạc bộ Khánh Hòa năm ngoái và câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh trước mùa bóng 2023 khi các cầu thủ không chịu ra sân tập, đình công để gây áp lực với lãnh đạo đội bóng, đòi thanh toán các khoản nợ lương, thưởng, phí lót tay… thậm chí cả tiền giày, tiền tất. Kết cục gần như nhau khi mỗi bên chịu nhường một bước, câu lạc bộ chấp nhận giải ngân, thanh toán một phần nợ cho cầu thủ đồng thời hứa hẹn sẽ giải quyết dứt điểm chuyện dây dưa tiền bạc để hạ nhiệt.

Thanh Hóa từ lâu đã âm ỉ chuyện tiền nong, theo trình bày của các cầu thủ thì từ tháng 5 tới giờ vẫn chưa nhận được tiền lương, trong khi các khoản tiền thưởng được hứa hẹn từ mùa bóng 2023 đến giờ vẫn chưa thấy đâu, cộng dồn các khoản nợ riêng với cầu thủ đã lên tới 16,6 tỷ đồng.  

Để lâu sợ… hóa bùn nên cực chẳng đã, 18 cầu thủ trong đó có nhiều trụ cột, thường xuyên được huấn luyện viên Popov sử dụng trong đội hình chính như: thủ môn Thanh Diệp, A Mít, Tiến Thành, Gustavo, Ngọc Tân, Văn Lợi, Hoàng Thái Bình, Thanh Long… đã làm đơn khiếu nại tập thể, kêu cứu khắp nơi để mong sớm được giải quyết quyền lợi.

a4945b14325bdb05824a-1722909329-1722913711.jpg
fe140a9463db8a85d3ca-1722909353-1722913884.jpg
Đơn khiếu nại tập thể có chữ ký của 18 cầu thủ, liệt kê các khoản nợ lên tới gần 17 tỷ đồng

V.League hầu như mùa giải nào cũng có cảnh đình công, bỏ tập để đòi nợ. Sau Cần Thơ, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh… giờ đến lượt Thanh Hóa dây dưa, chậm trả lương, thưởng, phí lót tay cho cầu thủ. Chả trách, trên thị trường chuyển nhượng mùa hè, đội bóng do huấn luyện viên Popov dẫn dắt khá im hơi lặng tiếng, chỉ thấy cầu thủ cũ xin đi mà chưa thấy tân binh mới xuất hiện. Bản thân ông thầy người Bulgaria, dù mới được gia hạn thêm hợp đồng, cũng không ít lần than thở, bóng gió tới chuyện bị “trói tay, buộc chân” vì câu lạc bộ thiếu tiền. 

Tất nhiên, lãnh đạo đội bóng xứ Thanh chưa bao giờ thẳng thắn thừa nhận thực tế khó khăn, nhưng mới đây đã quyết định bỏ, không tham dự cúp C2 châu Á với lý do sợ cầu thủ bị quá tải vì thi đấu nhiều giải. Ai cũng biết, để thi đấu Cúp C2 châu Á rất tốn kém, ngoài việc phải tăng cường thêm lực lượng, nâng cấp đội hình còn phát sinh nhiều khoản chi phí khác. Thanh Hóa còn nợ lương cầu thủ tới 3 tháng liên tiếp chưa thanh toán thì nói chi tới kinh phí cho Cúp C2. 

thanhhoa-hano2023-24-18-1722909446.jpg
Nhiều cầu thủ Thanh Hóa bỏ tập để đòi nợ khiến huấn luyện viên Popov như ngồi trên lửa khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ đá trận tranh Siêu Cúp 2023-2024 với Nam Định

Khoản nợ gần 17 tỷ đồng để thu xếp yên ổn “chuyện trong nhà” của Thanh Hóa, thực ra cũng chẳng thấm vào đâu khi nhìn vào số tiền lót tay được công bố của Hoàng Đức, Quang Hải hay Patrik Lê Giang… Khổ nỗi, ở V.League không có khái niệm công bằng tài chính nên “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, đội bóng có điều kiện thì tiêu tiền thả phanh còn nghèo như Thanh Hóa, đương nhiên phải “thắt lương buộc bụng” thậm chí còn không dám đi “phó hội” ở Cúp C2.

Nợ nần rồi cũng sẽ qua, như Khánh Hòa gắng gượng đá cho xong mùa giải rồi lặng lẽ nhận vé xuống hạng. Nát quá thì nghỉ chơi, giải tán luôn đội bóng như Cần Thơ cho nhẹ nợ. Mùa giải 2024-2025 chỉ còn chưa tới 1 tháng nữa sẽ khởi tranh, hy vọng rằng, đến lúc ấy Thanh Hóa sẽ sạch nợ để còn tranh Siêu Cúp với Nam Định. 

Đan Phượng