Campuchia muốn bảo tồn và phát triển các môn thể thao truyền thống tại SEA Games 32

Campuchia mong muốn phát triển các môn thể thao truyền thống của khu vực thành môn thể thao hiện đại, có thể góp mặt tại các sự kiện quốc tế như SEA Games, Asian Games và Olympic.

Từ ngày 8 đến 11/8, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã tổ chức Hội thảo chuyên đề xoay quanh chủ đề thúc đẩy phát triển sân chơi thể dục thể thao và các môn thể thao truyền thống nhằm tạo môi trường tập luyện thể thao lành mạnh và bảo tồn. Theo đó, Campuchia mong muốn phát triển các môn thể thao truyền thống của khu vực thành môn thể thao hiện đại, có thể góp mặt tại các sự kiện quốc tế như Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Đại hội Thể thao châu Á (Asian Games) và Thế vận hội (Olympic).

campuchia-1-1660278366.jpg
Biểu trưng và linh vật của SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12 năm 2023 

Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia (CAMSOC) thông tin cho báo giới biết, Hội thảo gồm 2 phần, được tổ chức với sự góp mặt của đại diện các cơ quan đến từ các nước trong khu vực cùng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO). Phần 1 của hội thảo xoay quanh chủ đề bảo tồn và phát triển các thể thao truyền thống; trong khi phần 2 tập trung vào chủ đề phát triển sân chơi thể dục thể thao trong khu vực ASEAN.

Ông Bu Chumserey - Phó Quốc vụ khanh Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia - cho biết, Hội thảo đã thảo luận về vấn đề bảo tồn thể thao truyền thống để nâng cao nhận thức và bản sắc ASEAN trong khuôn khổ kế hoạch hành động ASEAN về thể thao giai đoạn 2021-2025. 

Ưu tiên của Campuchia, Chủ tịch ASEAN năm 2022, là tăng cường hợp tác bảo tồn thể thao truyền thống, nhìn lại bối cảnh hoạt động bảo tồn thể thao truyền thống tại các quốc gia thành viên ASEAN - cơ hội và thách thức, thấy rõ thực trạng để giữ gìn các môn thể thao và trò chơi truyền thống thông qua ứng dụng công nghệ, cũng như xây dựng dự thảo tuyên bố ASEAN về việc đề cao bản sắc ASEAN thông qua việc bảo vệ, giữ gìn các môn thể thao và trò chơi truyền thống. 

Ông Bu Chumserey bày tỏ tin tưởng các hoạt động nêu trên, cùng với việc đưa các môn thể thao và trò chơi truyền thống vào chương trình đào tạo của các nước thành viên, ASEAN có thể bảo vệ di sản thể thao truyền thống và các trò chơi giải trí khỏi nguy cơ mai một.

Trong khi đó, ông Uk Dyvong - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao (Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia) - cho biết, mục đích chính của Hội thảo nhằm đề cao bản sắc ASEAN thông qua các môn thể thao truyền thống do mỗi quốc gia trong khu vực ít nhiều đều có môn thể thao truyền thống của riêng mình. Do đó, cần chung tay bảo tồn những gì đang có và phát triển chúng thành môn thể thao hiện đại để có thể tham gia các sự kiện như SEA Games, ASIAD hay Olympic.

Quan chức Campuchia chia sẻ: “Trong năm 2023, Campuchia là chủ nhà SEA Games, mục tiêu của chúng ta là được các nước ASEAN ủng hộ đưa các môn thể thao truyền thống của mình như võ cổ truyền Campuchia Bokator, đấu vật và đua thuyền truyền thống vào sự kiện SEA Games 2023 sắp tới”.

Hội thảo trên được tổ chức trong bối cảnh Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đang hoàn thiện dự thảo 2 tuyên bố liên quan chủ đề trên, chuẩn bị trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN dự kiến diễn ra vào tháng 11/2022.

SEA Games 32 dự kiến diễn ra từ ngày 5 đến 16/5/2023 tại 5 địa phương gồm: thủ đô Phnom Penh và các tỉnh Siem Reap, Preah Sihanouk, Kampot, Kep. Đây là lần đầu tiên Campuchia đăng cai sự kiện thể thao lớn nhất của khu vực Đông Nam Á.

P.V