Cuối tuần qua, một nhóm gồm 35 quốc gia đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh quốc tế bàn về sự tham gia của các vận động viên Nga và Belarus tại Olympic Paris 2024 sau khi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) tuyên bố, "đại đa số" những người tham gia trong các cuộc gọi tham vấn vào tháng 1 đã ủng hộ động thái tìm kiếm sự tham gia của Nga và Belarus tại Paris 2024. Ukraine và Latvia đã đe dọa tẩy chay Thế vận hội. Đáp lại, IOC cảnh báo rằng, tẩy chay sẽ là vi phạm Hiến chương Olympic.
Bộ trưởng Thể thao Litva - Jurgita Šiugždinienė - chia sẻ, 35 quốc gia trong cuộc họp trực tuyến cuối tuần qua đã "nhất trí" phản đối sự hiện diện của các vận động viên Nga và Belarus tại Olympic Paris 2024. Chỉ có Australia từ chối ủng hộ và Mỹ cho biết họ đang chờ thêm thông tin chi tiết theo đề xuất của IOC.
Trước đó, IOC tuyên bố sẽ tạo điều kiện để đưa các vận động viên từ Nga và Belarus trở lại thi đấu thể thao quốc tế trong "những điều kiện nghiêm ngặt" về tính trung lập. Điều này lập tức gây ra sự phẫn nộ từ phía Ukraine với việc Tổng thống nước này, Volodymyr Zelenskyy, cáo buộc IOC đã đánh mất "sự trung thực".
Bộ trưởng Matytsin chỉ trích những người tham gia hội nghị thượng đỉnh nói trên và nêu rõ quan điểm: "Đây là sự can thiệp trực tiếp của các bộ trưởng vào hoạt động của các tổ chức thể thao quốc tế độc lập, một nỗ lực nhằm đưa ra các điều kiện để các vận động viên tham gia các cuộc thi quốc tế, điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Hơn nữa, hơn 1 tháng trước, Ủy ban Olympic quốc gia của các quốc gia này đã ủng hộ quyết định của IOC về việc các vận động viên của chúng tôi tham gia các cuộc thi. Các quốc gia này đang gây áp lực lên hoạt động của các tổ chức công độc lập và họ đã cố buộc tội chúng tôi. Họ muốn phá hủy sự thống nhất của thể thao quốc tế và phong trào Olympic quốc tế, biến thể thao thành một phương tiện gây áp lực để giải quyết các vấn đề chính trị. Nếu nó, được đại diện bởi IOC và các Liên đoàn thể thao quốc tế, nhượng bộ và chịu ảnh hưởng, điều này sẽ tạo ra một tiền lệ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thể thao cũng như sự đoàn kết của nó”.
Ông Matytsin cũng đề cập đến sự hiện diện của Mỹ tại Olympic và Paralympic Athens 2004 sau cuộc xâm lược Iraq. Bộ trưởng Thể thao Nga lặp lại lập luận của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc trong lĩnh vực quyền văn hóa Alexandra Xanthaki - người đã đề cập đến cuộc chiến tại Iraq do Mỹ lãnh đạo năm 2003 và việc thiếu các lời kêu gọi các vận động viên Mỹ bị loại khỏi Athens 2004. Matytsin cũng chỉ ra tuyên bố của Xanthaki rằng loại trừ các vận động viên vì hộ chiếu của họ là "phân biệt đối xử".