Vấn đề mới, chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải nghiên cứu công phu, bài bản
Phát biểu tại tổ thảo luận, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng (Đoàn Kon Tum) cho rằng việc Chính phủ trình Quốc hội quy hoạch tổng thể quốc gia là việc làm rất kịp thời. Nếu không có quy hoạch tổng thể quốc gia sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi cả nước phải dựa trên quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước sau đó mới quy hoạch đến các tỉnh thành, các ngành lĩnh vực trọng điểm.
Trong nhiệm kỳ này, Chính phủ phải ban hành 117 quy hoạch, số lượng công việc rất lớn, vì vậy cần thiết phải có Nghị quyết này vì đó là gốc để các quy hoạch khác có thể căn cứ vào đó làm. Tuy nhiên xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, vì vậy đòi hỏi phải nghiên cứu rất công phu, bài bản.
Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan soạn thảo tham khảo các quốc gia có điều kiện tương đồng, xem xét họ có lập quy hoạch này không, nếu quy hoạch thì họ dựa vào đâu, căn cứ nào để tham khảo kinh nghiệm của họ, đối chiếu với tình hình thực tế quốc gia để xây dựng. Đến thời điểm này, về cơ bản đã đảm bảo được yêu cầu định hướng quy hoạch, các Nghị quyết của Trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng và gần đây nhất là kết luận của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 6.
Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ đã trình Quốc hội, Bộ trưởng nêu thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm liên quan đến vấn đề văn hoá, thể thao vào du lịch. Theo Bộ trưởng, lâu nay Đảng, Nhà nước đã đặt vấn đề phải quan tâm đến văn hoá, nhưng giữa nhận thức và hành động đang còn có khoảng cách, cho nên từ khâu quy hoạch đến đầu tư, chăm lo để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, vô song để xây dựng đất nước cường thịnh thì còn đang là quá trình vận hành và phải tiếp cận nhiều hơn nữa.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng còn nhiều lĩnh vực cần quan tâm thêm. Trước hết, về lĩnh vực du lịch, đây là nhóm lĩnh vực kinh tế rất quan trọng. Trong quy hoạch, chúng ta đã chú ý vấn đề hình thành các khu vực du lịch phát triển và chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng, khai thác hiệu quả lĩnh vực này nhưng rõ ràng ở Việt Nam nếu không gắn yếu tố văn hóa thì du lịch không thể có điều kiện phát triển.
Theo Bộ trưởng, du khách quốc tế đến Việt Nam không phải vì các khách sạn cao tầng hiện đại, họ đến là để trải nghiệm văn hóa Việt Nam. Thực tế sản phẩm du lịch phải dựa vào văn hoá, bắt nguồn từ sản phẩm văn hóa thì mới thu hút khách.
Qua đó, Bộ trưởng đề nghị phải bổ sung cụm từ rất quan trọng ở tờ trình của Chính phủ là "khai thác có hiệu quả, bền vững tài nguyên du lịch gắn với tài nguyên văn hoá". Sản phẩm du lịch phải mang đậm dấu ấn văn hóa để định hướng phát triển không bị chệch, sau này có thu hút đầu tư như thế nào thì vẫn trên góc này để làm.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, một điểm mà chúng ta đang quan tâm hiện nay là kinh tế biển. Các quốc gia mạnh lên từ biển và Việt Nam cũng mong muốn trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển. Với chiều dài đường biển hơn 3000km, so với các nước khác chúng to có nhiều lợi thế để hướng ra biển. Trong tờ trình cũng đã đề cập đến vấn đề này, phạm vi có nói nhưng khi đi vào hướng thì tôi thấy lại bỏ đi một phần rất quan trọng là đảo. Phải xác định định hướng kinh tế biển đảo thể nào?
Thực tế các đảo gần bờ đang trở thành trung tâm, các cực phát triển. Ví dụ như Phú Quốc, phú quý hay các đảo khác, hiện Chính phủ đang giao Bộ Quốc phòng tiếp tục xây dựng phương án để khai thác du lịch ở quần đảo Trường Sa…Từ đó, Bộ trưởng đề nghị bổ sung thêm về không gian biển phải có yếu tố về đảo.
Muốn đầu tư cho hạ tầng văn hóa phải bắt đầu từ quy hoạch sử dụng đất
Thứ ba, về vấn đề về văn hoá, Bộ trưởng cho rằng việc đầu tiên, muốn đầu tư cho hạ tầng văn hóa phải bắt đầu từ quy hoạch sử dụng đất, ưu tiên vấn đề sử dụng đất cho văn hoá. Quỹ đất cho văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục.. là hạ tầng xã hội, muốn có hạ tầng xã hội thì phải bắt đầu từ quỹ đất. Phải kiên quyết khắc phục tình trạng điều chỉnh sử dụng đất về văn hoá, thể thao, y tế, giáo dục thời gian qua có những biểu hiện không phù hợp với sự phát triển bền vững của đất nước.
Theo Bộ trưởng, thiết chế phải được ưu tiên mà muốn ưu tiên được thì ngay từ trong thời kỳ quy hoạch tổng thể quốc gia phải định hướng để ưu tiên quỹ đất và phải xác định tỷ lệ phần trăm nhất định nào đó, nếu không có thì không có định hướng được.
Điểm nữa trong hạ tầng xã hội trong tờ trình đã nêu khá đầy đủ nhưng cái quan trọng nhất là để có sự khác biệt giữa quốc gia này và các quốc gia khác chính là văn hoá. Trong điều kiện đất nước đang mở cửa, hội nhập và với công nghệ của thế giới sự khác biệt giữa các quốc gia là mong manh, chỉ văn hóa mới tạo ra sự khác biệt, cho nên tôi đề nghị phải bổ sung cụm từ đầu "phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc", phải thêm cụm từ này để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh.
Một vấn đề tiếp theo Bộ trưởng đề cập đến đó là vấn đề ưu tiên phát triển công nghiệp văn hoá. Vừa rồi tại Hội nghị Trung ương 6 đã có Nghị quyết về công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trong đó công nghiệp văn hóa được xác định là một trong những hướng đi và nếu chúng ta biết khai thác tài nguyên văn hoá, làm giàu lên tài nguyên văn hóa và bắt đầu từ tài nguyên văn hóa để làm công nghiệp văn hóa thì có thể đi rất xa.
"Tổng thống Hàn Quốc đã từng nói với tôi một nhóm nhạc Hàn Quốc có thể đóng góp bằng 20 nhà máy Huyndai, chúng ta phải xác định vấn đề này để biết cách khai thác. Hiện Việt Nam xác định có 5 nhóm ngành có lợi thế để làm, trong đó điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn là 2 nhóm mà chúng ta đang quan tâm, nhưng tôi đề xuất phải bổ sung vấn đề mạng lưới điện ảnh, hình thành các cơ sở điện ảnh và biến Việt Nam với phong cảnh đẹp có thể thành trường quay quốc tế", Bộ trưởng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị bổ sung thêm cụm từ "cơ sở hạ tầng cho điện ảnh".
Trong quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu có ghi "kết cấu hạ tầng đồng bộ hiện đại, thích ứng với biển đổi khí hậu", Bộ trưởng cho rằng chưa đầy đủ, chưa toát được hết tinh thần đặt văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị. Vì vậy cần bổ sung thêm cụm từ "phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng số đồng bộ, thích ứng…" giúp chúng ta có tổng thể phát triển bền vững, tầm nhìn đến năm 2050 thì Việt Nam mới là quốc gia phát triển như nghị quyết Đại hội Đảng và tầm nhìn của chúng ta.
Lĩnh vực văn hóa cần được đề cập sâu hơn, nhiều hơn trong quy hoạch
Cơ bản thống nhất với tờ trình của Chính phủ, đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, xây dựng Đồ án quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là vấn đề lớn, phức tạp, là cả một công việc đồ sộ.
Theo ĐB Lâm, các vấn đề văn hóa đã được đề cập một cách toàn diện, phong phú trong dự thảo quy hoạch tổng thể quốc gia. ĐB Lâm cũng bày tỏ mong muốn đó là trong quy hoạch tổng thể quốc gia, lĩnh vực văn hóa cần được đề cập sâu hơn, nhiều hơn, nhất là hệ thống phát triển văn hóa phi vật thể. Bởi vì, hồn cốt văn hóa đó chính là vấn đề văn hóa phi vật thể, các điều kiện cơ sở vật chất là rất cần thiết.
"Chúng ta cần xác định những yếu tố này để quan tâm đầu tư nhằm tạo nền tảng văn hóa tinh thần theo chiều sâu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu chúng ta thực hiện được sâu sắc trong quy hoạch thì sẽ yên tâm trong tiến trình phát triển văn hóa 10, 20 năm tới. Làm được điều này chúng ta sẽ thực hiện được mục tiêu về văn hóa, phát triển con người Việt Nam đúng như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng khóa XIII đã đặt ra", đại biểu Lâm nhấn mạnh.
Về xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, đại biểu Lâm cho rằng, cần cân nhắc hiệu quả sử dụng một số công trình văn hóa theo xu thế phát triển của công nghệ, tương lai. "Hiện nay một số thư viện ở cấp địa phương không phát huy được hiệu quả, người vào rất thưa thớt. Ngoài ra, nhu cầu của người dân đến tìm tài liệu tại thư viện hiện nay cũng không còn như trước", đại biểu nêu dẫn chứng.
Một vấn đề khác mà ĐB Lâm đề cập đến đó là giáo dục trong dự thảo quy hoạch. "Không hiểu chúng ta định hướng thế nào mà đến năm 2030, 2050 vẫn còn thực hiện công tác xóa mù chữ. Giáo dục của chúng ta thế nào mà đến năm 2030 vẫn còn lo đến xóa mù chữ. Đến 2022 mà xóa mù chữ chúng tôi đã thấy chậm lắm rồi, nó thể hiện sự trì trệ, yếu kém trong hệ thống giáo dục rồi", đại biểu Lâm băn khoăn.
Theo đại biểu Leo Thị Lịch (Đoàn Bắc Giang), quy hoạch về văn hóa trong quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn chưa đồng bộ. Như nhiệm vụ bảo tồn phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, đa dạng hóa phát triển không gian văn hóa, công nghiệp văn hóa chưa được thống nhất trong quy hoạch. Vì vậy, cần bổ sung những nội dung này vào quy hoạch văn hóa.