Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng: Hà Nội đã đi trước, mở đường cho việc xây dựng ngành Công nghiệp văn hóa

Chiều 27/12, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị triển khai công tác VHTT Hà Nội năm 2023. Tới dự và chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh.

8141-1672304035.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Trần Huấn

Xây dựng những phẩm chất tiêu biểu của con người Hà Nội

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đánh giá, trong năm 2022, toàn ngành VHTT thủ đô đã nỗ lực vượt khó, vươn lên đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Nhấn mạnh 5 điểm sáng mà ngành VHTT Hà Nội đạt được để hòa nhịp cùng sự phát triển chung của ngành VHTTDL cả nước, Bộ trưởng cho rằng, thứ nhất là cùng với toàn ngành, ngành VHTT Hà Nội đã chuyển đổi từ tư duy làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hoá.

"Trong đó đáng chú ý là việc ban hành 2 Nghị quyết lớn về văn hoá, triển khai thực hiện nhiều kế hoạch chi tiết, cụ thể. Điều đó cho thấy sự chuyển biến rõ nét trong tư duy từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hoá, cụ thể hóa được các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng về văn hoá, nhất là các chỉ đạo của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021" - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Thứ hai, theo đánh giá của Bộ trưởng, các cấp ủy Đảng của thủ đô nói riêng và hệ thống chính trị trên cả nước nói chung càng ngày càng nhận thức sâu sắc hơn quan điểm của Đảng về văn hoá. Trong đó, Đảng xác định văn hóa là một lĩnh vực rộng, phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành trực tiếp của Nhà nước. Nhân dân là chủ thể sáng tạo, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng.

Từ đó, Sở đã tham mưu đúng và trúng cho các cấp ủy Đảng để tập trung vào nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hoá, chú ý xây dựng môi trường văn hóa ở khu dân cư, từng khu phố, thôn, làng…Trên cơ sở đó sẽ từng bước xây dựng các nội hàm, thành tố để xây dựng con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, lan tỏa các giá trị tốt đẹp về văn hoá, con người Hà Nội. Bộ trưởng cũng lưu ý, Hà Nội cần chú ý đến việc tạo không gian mở sáng tạo cho các nghệ sĩ để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.

Điểm sáng thứ ba, Bộ trưởng đánh giá cao việc Hà Nội đã đi trước, mở đường cho việc xây dựng ngành Công nghiệp văn hóa. Cách làm của Hà Nội rất bài bản, đã chọn việc, chọn điểm để làm. Bộ trưởng mong muốn Hà Nội sẽ khai thác được các yếu tố văn hoá, nghệ thuật trong phát triển du lịch, tạo được sản phẩm du lịch đặc sắc của thủ đô.

Điểm sáng thứ tư, Bộ trưởng cho rằng đó là sự phát triển của thể thao thủ đô cả về thể thao quần chúng lẫn thể thao đỉnh cao. Gởi mở vấn đề để phát triển thể thao quần chúng, Bộ trưởng cho rằng thủ đô cần thực hiện chuyển đổi số, số hóa đưa các bài tập đa dạng nâng cao sức khoẻ, thể lực cho nhân dân thủ đô lên mạng để người dân có thể dễ dàng truy cập, tập theo.

Thứ 5, Bộ trưởng đánh giá cao Sở VHTT Hà Nội đã tham mưu cho các cấp ủy để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa thể thao. Theo đánh giá, Hà Nội cũng là địa phương có sự đầu tư lớn về kinh phí cho văn hóa như việc đầu tư 14 nghìn tỉ đồng tu bổ 579 di tích.

Với mong muốn Hà Nội sẽ xây dựng được những giá trị con người Hà Nội văn minh, thanh lịch, Bộ trưởng gợi mở, toàn Đảng đang tập trung xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Vì thế, Sở VHT cần khẩn trương nghiên cứu những nội dung của Hội thảo khoa học Hội thảo quốc gia "Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới" để xây dựng những phẩm chất tiêu biểu của con người Hà Nội. Cùng với đó là xây dựng hệ giá trị gia đình để góp phần xây dựng hệ giá trị quốc gia.

Nỗ lực để ngành văn hóa thể thao Hà Nội ngày càng lớn mạnh ở cả bề nổi lẫn chiều sâu

Năm 2022, bám sát chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Bộ VHTTDL tại các chương trình, nghị quyết, kế hoạch công tác, Sở VHTT Hà Nội đã phát huy hiệu quả vai trò tham mưu, lãnh đạo, điều hành toàn ngành đổi mới phương thức quản lý, chủ động sáng tạo, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thuộc lĩnh vực phụ trách theo thẩm quyền, đạt kết quả nổi bật.

8142-1672304035.jpg
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trần Huấn

Sở VHTT Hà Nội tham mưu ban hành và thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển CNVH; thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; Nghị quyết Số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển Thủ đô; Nghị quyết 02/2022/NQ-HĐND về đầu tư công giai đoạn 2021-2025; thực hiện các cam kết với UNESCO khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.

Bên cạnh đó, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức sâu, rộng từ TP đến cơ sở (các cuộc thi, liên hoan, các giải thi đấu thể thao) đã thu hút được đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; Kết hợp sự tham gia đông đảo của lực lượng văn nghệ sĩ, vận động viên Hà Nội đã tạo nên các đợt sinh hoạt sôi nổi, làm tăng sức hấp dẫn, thu hút được sự quan tâm của công chúng qua các phương tiện truyền thông, góp phần tạo nên các sản phẩm văn hóa, thể thao mang thương hiệu của Thủ đô, hướng tới mục tiêu phát triển ngành công nghiệp văn hoá.

Công tác quản lý, phát triển hoạt động TDTT được quan tâm chú trọng, hoàn thành nhiệm vụ tham mưu tổ chức thực hiện Lễ khai mạc, bế mạc SEA Games 31 và nhiều giải thể thao quy mô quốc tế và khu vực. Tạo điều kiện cho các Hội, Liên đoàn thể thao, các CLB thể thao phát huy được tiềm năng thế mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ luyện tập thi đấu, nâng cao thành tích.

Phát biểu tại kết luận Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đánh giá cao những thành tích mà ngành văn hóa và thể thao Hà Nội đã đạt được trong năm 2022. Chủ tịch UBND TP cho rằng, sự phát triển của thương mại dịch vụ trong năm 2022 của TP Hà Nội có phần đóng góp lớn của ngành VHTTDL.

Cán bộ văn hóa ngành văn hóa đã tham mưu cho TP xây dựng Nghị quyết cho từng lĩnh vực, từ Nghị quyết ban hành kế hoạch và triển khai rất cụ thể, huy động được nguồn lực của các cấp cách ngành các lĩnh vực đầu tư cho văn hóa và thể thao.

Tuy nhiên, trong năm 2023 ngành văn hóa thể thao cần khắc phục những hạn chế đã chỉ ra, cần quan tâm đến chỉ tiêu, định mức của thể thao thành tích cao, đẩy mạnh chấn chỉnh ứng xử văn hóa trên mạng xã hội, phát huy lợi thế đã đạt được của năm 2022, tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành để lĩnh vực văn hóa thể thao ngày càng lớn mạnh ở cả bề nổi lẫn chiều sâu.

Thế Công