Các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực chất vấn được đánh giá là đúng và trúng, phù hợp với diễn biến thực tế đời sống, bám sát thứ tự ưu tiên trong rất nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội, nhân dân, cử tri, dư luận xã hội quan tâm.
Trách nhiệm, thẳng thắn, cầu thị
Công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm, quản lý dân cư là những vấn đề liên quan trực tiếp đến an ninh con người, đời sống, tính mạng và tài sản của nhân dân, liên quan đến trật tự, kỷ cương của Nhà nước và xã hội. Đây là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, vừa thường xuyên và vừa lâu dài, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Chính vì vậy, nhóm vấn đề đưa ra chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công an và các thành viên Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân cả nước. Bằng chứng là có 26 đại biểu Quốc hội phát biểu, 11 đại biểu Quốc hội tranh luận chỉ trong 3 giờ chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm. Một loạt vấn đề “nóng” của ngành đã được các đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi trực diện, thẳng thắn như: Việc bảo đảm an ninh mạng; bảo vệ dữ liệu cá nhân; phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm liên quan đến tín dụng đen, tội phạm sử dụng công nghệ cao; cấp hộ chiếu cho công dân; xây dựng, phát huy giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư...
Đại biểu Siu Hương (Gia Lai) cho rằng, việc bảo vệ thông tin cá nhân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định nhưng hiện nay, tình trạng vi phạm rất phổ biến; đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an nêu rõ các giải pháp xử lý triệt để tình trạng này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu thực tế, hiện nay, các thông tin cá nhân đang được rao bán trên nền tảng mạng xã hội và không khó để truy cập vào các nhóm này. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an cho biết những giải pháp trong thời gian tới để phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả vấn đề này để người dân an tâm, thông tin cá nhân của mình không bị "trôi nổi trên các nền tảng mạng xã hội".
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, thực trạng của lộ lọt dữ liệu cá nhân trên quốc tế cũng như Việt Nam là đáng báo động, trong khi hành lang pháp lý về vấn đề này chưa hoàn thiện, ý thức người dân bảo vệ thông tin cá nhân chưa cao. Để hạn chế tình trạng này, Bộ Công an đã triển khai một số giải pháp, trước hết là xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
"Chúng tôi đang tiến hành công việc này nhưng gặp nhiều khó khăn, như Bộ Công an trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân đã qua 10 lần trình, hiện nay đang vào giai đoạn chót, sẽ sớm ban hành Nghị định này để có căn cứ pháp lý, các biện pháp để bảo vệ dữ liệu cá nhân. Dự kiến, năm 2024 sẽ nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân", Bộ trưởng Tô Lâm cho biết; đồng thời nhấn mạnh việc tăng cường tuyên truyền người dân trong bảo vệ dữ liệu cá nhân, nhất là khi tham gia môi trường mạng. Lực lượng Công an tích cực điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp làm lộ lọt, rao bán dữ liệu cá nhân...
Bộ trưởng nêu rõ, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu lớn, được xác định là tài nguyên của quốc gia, được tổ chức triển khai nghiêm ngặt, thực hiện đúng các điều kiện an ninh, an toàn ở mức độ 4; thực hiện nghiêm quy trình thu thập, cập nhật, bổ sung thông tin dân cư; phân cấp, phân quyền chặt chẽ từ Trung ương đến địa phương, cơ sở; thường xuyên tổ chức giám sát, kiểm tra 24/24 giờ, ngăn chặn việc tấn công, đánh cắp dữ liệu.
"Hàng ngày, chúng tôi phải đối phó hàng nghìn cuộc tấn công vào hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Nếu không đảm bảo an toàn, nguy cơ rất lớn. Nhiều cuộc tấn công đến từ nước ngoài", Bộ trưởng cho biết và nêu, việc thực hiện kết nối dữ liệu dân cư với dữ liệu các bộ, ngành, địa phương chỉ triển khai khi đã đảm bảo an toàn.
Tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" rất phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi… gây bức xúc trong xã hội. Có thực trạng bên cho vay nặng lãi buộc bên đi vay phải sang tên nhà, đất để thế chấp, cầm cố, làm tin. Khi người đi vay không trả được nợ do “lãi mẹ đẻ lãi con”, chúng tự ý sang nhượng nhà, đất đó cho người khác mà chủ sở hữu, chủ sử dụng không thể ngăn cản được. Vấn đề này được nhiều cử tri quan tâm, đã được đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) chất vấn Bộ trưởng Công an.
Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, trong 3 năm qua, Bộ Công an đã phối hợp với các lực lượng có liên quan thực hiện nhiều biện pháp mạnh để kiềm chế, đẩy lùi tội phạm "tín dụng đen", không còn tình trạng phức tạp, công khai, lộng hành như trước đây. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn tiềm ẩn phức tạp.
Về các giải pháp trong thời gian tới, Bộ trưởng Công an cho biết, sẽ tiếp tục tấn công, trấn áp tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen”; không được chủ quan, không trùng xuống; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 12/CT-TTg về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; tăng cường tuyên tuyền, nâng cao nhận thức, thường xuyên cảnh báo người dân về các phương thức, thủ đoạn hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Bộ Công an sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành Ngân hàng để đẩy mạnh các biện pháp giúp người dân có thể tiếp cận với nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng của ngân hàng thuận lợi hơn.
“Thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị” là đánh giá chung của nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri về phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an. Liên quan đến việc một số quốc gia không chấp nhận hộ chiếu phổ thông theo mẫu mới hiện nay gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, “Bộ Công an chủ trì thực hiện việc này, chúng tôi nhận trách nhiệm”.
Nhấn mạnh: "Đây chỉ là vấn đề kỹ thuật", Đại tướng Tô Lâm cho biết, Bộ Công an đã có giải pháp để khắc phục việc này. Trước mắt, công dân thấy cần bổ sung nơi sinh, Bộ Công an đã bàn với các cơ quan liên quan bổ sung nơi sinh vào phần bị chú trong hộ chiếu, để tạo thuận lợi cho công dân. Về lâu dài, nếu cần bổ sung nơi sinh, Bộ Công an sẽ báo cáo Chính phủ, thống nhất với các cơ quan, báo cáo Quốc hội đề xuất sửa Luật Xuất nhập cảnh của công dân Việt Nam, trong đó bổ sung những thông tin này.
Theo dõi phần trả lời của Bộ trưởng Công an, cử tri Lê Thị Đào Liễu (phường Hòa Thuận Tây - quận Hải Châu - thành phố Đà Nẵng) cho rằng, Bộ trưởng đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể, trước mắt và lâu dài, qua đó làm cho người dân, các cử tri hiểu rõ hơn, yên tâm, tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Cử tri Nguyễn Hoàng Phương (huyện Châu Thành - tỉnh Tây Ninh) đánh giá cao chất lượng của phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công an, đặc biệt là các vấn đề được xã hội quan tâm như tệ nạn đánh bạc qua mạng. Cử tri nhấn mạnh, đây là thực trạng chung của toàn xã hội, dẫn đến nhiều gia đình đổ vỡ. Tuy lực lượng Công an đã triệt phá nhiều vụ án có liên quan đến đánh bạc qua mạng nhưng mới chỉ là con số ít về những vụ việc lớn, còn rất nhiều vụ việc đánh bạc nhỏ lẻ chưa thể triệt phá hết được. Đó cũng là nỗi lo của ngành chức năng và người dân hiện nay. Đánh giá sự nhìn nhận thẳn thắng của Bộ trưởng Tô Lâm, cử tri Nguyễn Hoàng Phương tin tưởng rằng, với sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của Bộ Công an, tệ nạn này sẽ từng bước bị đẩy lùi.
Cần sự vào cuộc của các Bộ, ngành
Với phương châm xuyên suốt là "quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến để tổ chức thực hiện", Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành trách nhiệm quản lý nhà nước ở cả ba lĩnh vực được giao. Nói một cách hình ảnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ví 3 lĩnh vực như cỗ xe tam mã, trong đó văn hóa giữ dây cương, du lịch mang đậm dấu ấn sản phẩm văn hóa, thể thao vì sức khỏe con người với tư cách là chủ thể xây dựng, kiến tạo, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả có tính chất khái quát, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Du lịch đang trăn trở làm sao để có tăng được lượng khách quốc tế; đảm bảo tính bền vững thu hút khách nội địa và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách. Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội, văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội… Đây là bài toán đặt ra cho ngành và được nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) về giải pháp thúc đẩy hợp tác với các nước, sớm phục hồi thị trường du lịch toàn cầu, qua đó thúc đẩy phục hồi thị trường du lịch ở Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, theo thống kê lượng khách quốc tế là 950 nghìn lượt, tăng 10 lần so với cùng kỳ năm 2021, cho thấy thị trường du lịch đã ấm lên.
Trong tình hình hiện nay, doanh nghiệp lữ hành cần có thời gian để kết nối lại thị trường. Các địa phương cũng cần làm mới sản phẩm du lịch để phù hợp với thị hiếu du khách sau dịch là điểm đến an toàn, chú ý nhiều hơn về nhu cầu văn hóa. Đồng thời, các bộ, ngành liên quan như: Công an, Ngoại giao, Giao thông vận tải… cần phối hợp tạo điều kiện tốt nhất cho khách du lịch đến Việt Nam. "Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, nên cần sự vào cuộc của các bộ, ngành. Chúng tôi hy vọng với giải pháp nêu trên, lượng khách quốc tế đến Việt Nam sẽ tăng lên", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho hay.
Về tình trạng di tích xuống cấp ở nhiều nơi, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ rõ, đó là do nguồn lực ở địa phương không nhiều, đầu tư cho di tích còn khó khăn. Nhiệm kỳ trước đây, Quốc hội có chương trình mục tiêu về phát triển văn hóa, trong đó nguồn kinh phí khoảng 245 tỷ đồng phục vụ bảo tồn, trùng tu di tích. Bộ đã điều tiết số tiền này cho khoảng 400 di tích. Tuy nhiên, nguồn ngân sách chưa đủ sức để khắc phục tình trạng này.
Về các giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Quyết định số 1230/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021 - 2025. Bộ cũng tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, hỗ trợ nguồn lực của Trung ương và địa phương để chống xuống cấp các di tích. Các địa phương đề xuất phải trên 5.000 tỷ đồng để thực hiện công việc này, nhưng nguồn lực của Trung ương là không đủ.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang trình cấp có thẩm quyền phân bổ 1.428 tỷ đồng để chống xuống cấp di tích. Khi nhận được nguồn lực này, Bộ sẽ chuyển cho các địa phương trùng tu, tôn tạo. Bên cạnh đó, cần tính toán các nguồn vốn, bởi nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Trung ương thì chắc chắn không đủ nguồn lực để thực hiện công việc này.
Xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội... là vấn đề đã được chỉ ra từ lâu, nhưng chưa được giải quyết. "Ai cũng hiểu một mình ngành văn hóa không giải quyết được việc này. Nhưng là người đứng đầu ngành văn hóa, Bộ trưởng thấy trách nhiệm đến đâu và có kiến nghị gì để giải quyết thực trạng này?", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đặt câu hỏi với Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, văn hóa là lĩnh vực rất rộng và liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Trong đó, Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Thời gian qua, Bộ chuyển hướng từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước bằng văn hóa thông qua công cụ pháp luật. Bộ chủ động rà soát, tham mưu Quốc hội ban hành các luật về vấn đề này; tham mưu Chính phủ ban hành các nghị định, quyết định để lãnh đạo, chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra.
"Vì đây là lĩnh vực tác động đến nhiều ngành, nhiều cấp nên giải pháp căn cơ là Bộ chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan bằng các chương trình liên kết để tổ chức thực hiện", Bộ trưởng cho biết.
Đánh giá cao phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là với nội dung liên quan đến văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp, ông Vũ Thanh Liêm, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội đồng tình với quan điểm của Bộ trưởng rằng để giải quyết căn cơ vấn đề này rất cần sự chung tay, góp sức, đồng thuận của các ngành, các cấp cùng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh.
Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu: “Chúng ta hay nói là phiên chất vấn thành công tốt đẹp, nhưng hôm nay thành công ở lúc chất vấn, còn có thành công thực sự tốt đẹp hay không phải có một thời gian nữa để kiểm nghiệm lại việc thực hiện các lời hứa và các cam kết như thế nào”.
Quả thực, vấn đề quan trọng là sau những lời hứa về trách nhiệm trên nghị trường thì việc chuyển biến trong chỉ đạo, hành động thực tế sẽ ra sao? Do đó, cử tri mong muốn, những lời hứa, những cam kết của các “Tư lệnh ngành” sẽ biến thành những hành động cụ thể, giải pháp có tính khả thi, hiệu quả cao, giải quyết có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của đồng bào, nhân dân cả nước.