Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, thẳng thắn

Chiều nay (ngày 10/8), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã “đăng đàn” trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành. 

quang-canh-phien-chat-van-chieu-nay-1660130548.jpg
Quang cảnh Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Nhiều vấn đề được giải đáp

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng xoay quanh các nội dung liên quan đến các vấn đề: Giải pháp phục hồi du lịch sau đại dịch COVID-19; làm sao để phát triển du lịch quốc tế vào Việt Nam một cách bền vững; Giải pháp để ngành du lịch phát huy được các giá trị văn hóa truyền thống lịch sử, phát triển du lịch xanh và bền vững; Giải pháp để ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn Vấn đề đào tạo nhân lực ngành du lịch; Khi nào chính sách để thực hiện phát triển du lịch theo Nghị quyết số 08 được thực hiện?…

Chấn chỉnh các biểu hiện lệch chuẩn trên mạng xã hội; Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về xây dựng nếp sống văn hóa, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội; Giải pháp cho việc khắc phục tình trạng di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng; giải pháp thu hút nguồn lực, trùng tu, tôn tạo, mở rộng di tích?; Khắc phục thực trạng di tích xuống cấp và giải pháp khuyến khích phát triển du lịch; Khắc phục khó khăn trong nguồn vốn đầu tư bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng…

Giải đáp về các vấn đề trên, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa vẫn còn hạn chế Về ý kiến một số đại biểu cho rằng vẫn còn tình trạng chậm trễ trong việc bảo tồn, chống xuống cấp di tích, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết nội dung này đã được quy định rõ trong Luật Di sản văn hóa, Nghị đinh 166/2018/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn hạn chế. Những năm qua, ngân sách Nhà nước hàng năm đều cấp cho mục tiêu bảo tồn, chống xuống cấp di tích nhưng còn thấp so với nhu cầu thực tế; còn nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng qua thời gian, nhưng chưa được cấp kinh phí tu bổ. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu tính đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương.

hung-1-1660130547.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển bền vững đất nước, tuân thủ và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật để bảo vệ nghiêm ngặt các yếu tố gốc cấu thành di tích, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích.

Về giải pháp cho ngành Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây là ngành chịu nhiều thiệt hại do đại dịch COVID-19. Sau khi mở cửa lại du lịch, tình hình có khả quan hơn. Việt Nam đang chọn du lịch nội địa làm bước đà phát triển. Tuy nhiên, việc thu hút khách quốc tế vẫn còn khó khăn. Bộ trưởng cho rằng cần có thời gian để kết nối với khách hàng truyền thống, cũng cần phối hợp chặt chẽ với các ngành có liên quan để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách tham quan, bảo đảm hơn về chất lượng dịch vụ du lịch, chuyên nghiệp hóa hoạt động kinh doanh lữ hành.

Do chính sách phòng, chống dịch bệnh ở các quốc gia khác nhau, nên việc đón khách nước ngoài còn gặp một số vướng mắc. Việt Nam về cơ bản đã sẵn sàng đón khách du lịch quốc tế, tuy nhiên vẫn cần khắc phục một số khó khăn mang tính tình thế.

Đối với khó khăn về nguồn nhân lực trong ngành du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ đã và đang tăng cường năng lực cho các cơ sở đào tạo và giảng viên; đẩy mạnh xã hội hóa và hợp tác quốc tế về đạo tào nhân lực; nâng cao kỹ năng nghề qua hoàn thiện và áp dụng các bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất ở cấp độ quốc gia và quốc tế. Bộ trưởng cũng kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho kéo dài thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động trong lĩnh vực này để góp phần giúp các doanh nghiệp du lịch vượt qua những khó khăn do đại dịch.

Về việc xuống cấp, lệch chuẩn trong ứng xử trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng nhằm xây dựng các chuẩn mực về hành vì ứng xử trên mạng xã hội, tuyên truyền về ý thức trách nhiệm phát ngôn trên mạng xã hội, về hậu quả có thể gây ra các tin sai sự thật về việc lên mạng xã hội. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng, sử dụng mạng xã hội không đúng, làm ảnh hưởng đến văn hóa xã hội.

Liên kết giao thông trong phát triển du lịch

Về vấn đề liên kết giao thông trong phát triển ngành Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận, câu hỏi của đại biểu đặt ra cho toàn ngành phải suy nghĩ. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không đơn thuần chỉ là du lịch phải được kết nối, liên kết với giao thông, với ngành công thương, ngành nông nghiệp và tất cả các ngành nghề khác chứ không chỉ riêng ngành Du lịch tạo ra sản phẩm du lịch. Vì vậy, Bộ rất quan tâm đến việc liên kết giao thông thuận lợi.

bo-truong-nguyen-van-hung-tai-phien-chat-van-va-tra-loi-chat-van-1660130548.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.

Bộ trưởng cho biết COVID-19, đến nay vẫn chưa mở lại tất cả các đường bay đi đến các quốc gia, vùng lãnh thổ. Còn đường bay nội địa đã tăng trưởng vượt bậc nhưng không phải địa phương nào cũng có nên phụ thuộc vào tần suất bay, chuyến bay để hàng không Việt Nam khai thác.

Bên cạnh đó, giao thông đường bộ đang tiến hành kết nối vùng, trong đó Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư các dự án giao thông để kết nối các vùng kinh tế trọng điểm…. Các chính sách của Trung ương đang giao cho Bộ Giao thông và các cơ quan, địa phương để tổ chức thực hiện sẽ kết nối và tạo điều kiện kết nối về du lịch.

Trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là tham mưu trong công tác chỉ đạo để thực hiện liên kết. Tuy nhiên, hiện chưa có khuôn khổ pháp lý về cơ chế liên kết vùng mà chỉ có sự liên kết với nhau để cùng các thế mạnh của từng vùng và du lịch. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phân công cho các cơ quan chuyên môn để theo dõi các lĩnh vực này, kết nối điểm đầu ra, đầu vào, kết nối tour, tuyến, kết nối các điểm đến của du lịch và thông qua các Giám đốc Sở Du lịch để tham mưu và ký kết thực hiện…

Liên quan đến văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, Bộ đã hướng dẫn tổ chức thực hiện. Bộ trưởng mong muốn chính quyền các địa phương phải tuyên truyền, vận động Nhân dân và tự giác thực hiện các quy định tại Nghị định này. Bởi vì trong đó nó rất rõ mà hiện nay được biết là rất nhiều địa phương cũng rất là sáng tạo, cũng có những cái cách cũng có chế tài quy định đám cưới thì còn bao nhiêu rồi là như thế nào, vận động như tất cả mọi cái chỉ ở mức độ có tính chất được. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, nếu phát hiện sai phạm, vi phạm sẽ xử lý.

Lên án và không khuyến khích tổ chức trò chơi phản cảm

Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Hoàng Anh về tình trạng xuống cấp đạo đức đến mức nào, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định, Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc XIII đã khẳng định: văn hóa, đạo đức xã hội có mặt đang xuống cấp. Bộ trưởng cho biết, văn hóa là vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là người để thực hiện nhiệm vụ này nên đây là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị, trong đó có sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành và từng thành viên và khi hình thành được một môi trường gia đình, môi trường xã hội, môi trường nhà trường và môi trường xã hội. Cả ba môi trường này đều là những môi trường văn hóa thì chắc chắn là sẽ có hiệu ứng, hạn chế được mặt xuống cấp của vấn đề về đạo đức.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng trả lời đại biểu về việc tổ chức trò chơi phản cảm. Theo đó, Bộ lên án hành động này, không có chỉ đạo các công ty du lịch tổ chức các trò chơi phản cảm gây hệ lụy xấu. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không khuyến khích, sẽ tổ chức kiểm tra nếu phát hiện sẽ xử phạt nghiêm túc.

7 nhóm giải pháp đào tạo nghề ngành Du lịch

bo-truong-dao-ngoc-dung-1660130548.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, thời gian vừa qua, ngành lao động đã tập trung cùng ngành văn hóa để tạo chuyển biến về vấn đề lao động, việc làm trong ngành du lịch. Theo kết quả thống kê, đến nay có 19,8 triệu người làm trong lĩnh vực du lịch, tăng cao so với quý trước. Gần đây, thị trường lao động trong lĩnh vực du lịch đang tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Các chính sách mở cửa, hỗ trợ theo Nghị quyết 30 của Quốc hội, nhất là từ tháng 3/2022 đã tạo cú hích quan trọng để tạo khu vực du lịch, dịch vụ, tạo đà tăng trưởng, phát triển cao.

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng cho biết, chúng ta đã có nhiều chính sách nhằm phục hồi lao động lĩnh vực du lịch, dịch vụ, các chính sách giữ chân, thu hút người lao động quay trở lại, hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động tại chỗ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành danh mục đào tạo cấp độ 4, trình độ cao đẳng và trung cấp. Thực tiễn, trong thời gian qua, các học viên tham gia Hội thi tay nghề quốc tế của ASEAN đều đạt kết quả cao. Hiện nay, chúng ta đang áp dung mô hình vừa học vừa làm, học văn hóa trong các cơ sở nghề, học nghề trong các cơ sở văn hóa.

Về giải pháp căn cơ trong vấn đề này, Bộ trưởng chỉ ra 7 nhóm giải pháp, cụ thể: Đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng dần kỹ năng mới; triển khai mạnh mẽ hệ thống tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và khu vực, tiến tới công nhận Bộ tiêu chuẩn nghề ASEAN được Tổ chức thi cấp Chứng chỉ nghề quốc gia ASEAN hướng tới các hoạt động du lịch hướng dẫn bài bản, chuyên nghiệp, đủ năng lực cạnh tranh; có chính sách thu hút nhân lực và học, làm việc đi đôi với nâng cao năng lực hệ thống đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cao chất lượng; quy hoạch liên kết đồng bộ giữa Trung ương, địa phương, các ngành gắn kết doanh nghiệp lữ hành với nhà trường; phát triển du lịch, đa dạng hóa các hình thức học tập, đào tạo, mở rộng địa bàn đào tạo; tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên…

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần áp dụng một số chính sách ngắn hạn tập trung đào tạo nghề cho người lao động. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xây dựng đề án phát triển lao động ngành du lịch vừa đào tạo dài hạn vừa trước mắt; vừa học văn hóa vừa học nghề.

Tiếp tục tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp

Tại phiên chất vấn, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến văn hóa học đường, giáo dục đạo đức cho học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, đây là vấn đề rất rộng lớn và quan trọng đối với trường học.

bo-truong-nguyen-kim-son-1660130548.jpg
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Đối với việc triển khai giáo dục hiện nay, lấy việc dạy người làm nội dung trọng tâm và ưu tiên, thì vấn đề về văn hóa học đường, ứng xử trong trường học càng trở nên đặc biệt quan trọng. Bộ Giáo dục và Đào tạo rất chú ý đến vấn đề này và đã triển khai nhiều hoạt động, nhiều chính sách có liên quan. Trong đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 là giải pháp toàn diện để tăng cường tố chất văn hóa và phát triển con người.

Xét về vấn đề văn hóa, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trường học có vai trò trong việc tạo dựng ra các giá trị văn hóa, trường học cần phải thiết lập, củng cố và hoàn thiện các nguyên tắc ứng xử giữa con người với xã hội. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Chính phủ trong việc chuẩn bị, ban hành Chỉ thị về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường trong thời gian sắp tới.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo hy vọng, việc triển khai nhiều nội dung của chỉ thị này sẽ tạo ra được những sự chuyển biến tốt đối với các vấn đề về văn hóa học đường. Về các quy tắc ứng xử trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung để rà soát, hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử trong trường học đã có, lưu ý đề cao vai trò gương mẫu dẫn dắt của nhà giáo, phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, xã hội, nhằm từng bước tạo dựng văn hóa học đường lành mạnh, tốt đẹp, rèn luyện thế hệ người với những phẩm chất lương thiện, nhân ái, yêu nước, trung thực… giải quyết căn bản và lâu dài những vấn đề các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Nỗ lực phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước

Phát biểu tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, văn hóa là nền tảng tinh thần, được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn. Mặc dù ngành văn hóa đã nỗ lực rất nhiều nhưng vẫn còn nhiều việc cần phải cố gắng làm tốt hơn nữa. Nhấn mạnh bản chất du lịch là một ngành kinh tế và để phát triển thành mũi nhọn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta phải thực hiện hiệu quả những giải pháp mạnh mẽ, đột phá. Tuy nhiên trong thời gian qua, cần phải nhìn nhận nhiều giải pháp đề ra chưa thực sự quán triệt đầy đủ tinh thần về một ngành kinh tế mũi nhọn.

pho-thu-tuong-dam-1660130548.jpg
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết, hiện Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các Bộ, ngành liên quan triển khai các hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch với những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần du lịch đúng là một ngành kinh tế mũi nhọn.

Liên quan đến công tác bảo tồn các di tích gắn nó với du lịch, Phó Thủ tướng cho rằng, đây là một nội dung quan trọng. Du lịch không phải chỉ có gắn với di tích, nhưng đây là một thế mạnh của chúng ta. Tuy nhiên, từ nhiều khóa các đại biểu Quốc hội đã phản ánh rất nhiều về tình trạng xuống cấp của các di tích lịch sử, di tích văn hóa, đặc biệt là một số di tích lịch sử cách mạng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: mặc dù ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã rất nỗ lực, tuy nhiên nhu cầu vốn cho công tác tu bổ, sửa sang di tích nói chung, trong đó có khu di tích lịch sử cách mạng là luôn trong tình trạng thiếu và rất thiếu. Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục cũng rất phức tạp…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, trước hết là trách nhiệm của chính quyền địa phương rồi đến Bộ. Vấn đề tu bổ, bảo tồn di tích thì phải có một tiêu chí cứng, bắt buộc Bộ, ngành nào vẫn phải theo nhưng quy định theo hướng phân cấp và kèm theo quy trách nhiệm. Như vậy các di tích văn hóa ở các địa phương mà bị xâm phạm thì câu hỏi đầu tiên sẽ là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Đề cập về vấn đề du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, đây là một ngành tổng hợp, rất cần sự phối hợp đồng bộ của tất cả các ngành, địa phương như các đại biểu đã có ý kiến. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đặc biệt là rất cần sự vào cuộc hưởng ứng và tham gia trực tiếp của người dân. Một mặt chúng ta phải cải thiện cái môi trường du lịch. Môi trường ở đây không chỉ đơn giản là môi trường ô nhiễm, mà môi trường du lịch ở đây rộng hơn, tức là tránh được các nỗi sợ của du khách nước ngoài và kể cả du khách trong nước. Cả nước và nhiều địa phương đã có những lúc phát động những phong trào bây giờ mỗi người dân cho du lịch một nụ cười hay mỗi người dân một đại sứ du lịch. Điều này rất quan trọng và gắn với phong trào phát động, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lý giải, với du khách trong nước và quốc tế, dù dịch vụ chuyên nghiệp, bên trong khách sạn tốt đến mấy nhưng nếu ra bên ngoài gặp những biểu hiện, môi trường văn hóa không lành mạnh thì cảm xúc của du khách khi đi du lịch bị ảnh hưởng rất nhiều.

Liên quan đến văn hóa trên môi trường mạng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có văn bản trả lời trực tiếp với các đại biểu Quốc hội. Đồng thời Phó Thủ tướng cho biết thêm, đời thực thế nào, trên mạng cũng như đời thực. Nhưng chúng ta cần lưu ý môi trường mạng khác đời thực ở tốc độ lan của thông tin. Thông tin trên mạng lan nhanh hơn và trên diện rộng hơn rất nhiều. Vấn đề này chúng ta chưa nhấn mạnh nhiều. Bằng các công nghệ mới, dựng video, hiệu ứng trên mạng mạnh hơn, hiệu ứng nhìn thật hơn nhiều. Do đó, tốc độ lan truyền và gây xúc cảm rất mạnh.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế và đề xuất những giải pháp thời gian tới

Phát biểu kết thúc nội dung chất vấn liên quan đến trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ: đã có 19 đại biểu phát biểu và 7 lượt đại biểu tranh luận, hiện còn 30 đại biểu đăng ký phát biểu. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các đại biểu chưa phát biểu gửi câu hỏi chất vấn tới bộ phận thư ký, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan trả lời đầy đủ bằng văn bản.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, có thể đánh giá rằng, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng trách nhiệm cao, các đại biểu đã đặt câu hỏi thẳng thắn, cơ bản đi vào các nội dung chất vấn đã đề ra. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nắm chắc tình hình, thực trạng, nghiêm túc nhìn nhận những tồn tại, hạn chế đã trả lời những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và đề xuất những giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

PV (t/h)