
Bệnh viện tuyến đầu về y học thể thao
Trong những năm qua, với sự cố gắng và cống hiến không ngừng nghỉ của tập thể y, bác sĩ, cán bộ, viên chức, người lao động Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã trở thành bệnh viện tuyến đầu của y học thể thao nước nhà trong tư vấn, nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ứng dụng các phương pháp an toàn về dinh dưỡng, tập luyện, dùng thuốc để khám chữa bệnh cho vận động viên và người tập luyện thể dục thể thao. Đặc biệt, đây là nơi phục vụ cho các vận động viên có thành tích cao, tham gia thi đấu các giải thể thao trong khu vực và quốc tế.
Dưới sự chỉ đạo của Cục Thể dục thể thao Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), hoạt động chuyên môn của Bệnh viện đã không ngừng được củng cố và phát triển theo hướng chuyên sâu, hiện đại và hiệu quả. Việc triển khai chính sách hỗ trợ điều trị cho vận động viên đội tuyển quốc gia với mức 1 tỷ đồng/năm từ ngân sách Nhà nước đã góp phần thiết thực trong việc bảo vệ thành tích và duy trì phong độ thi đấu đỉnh cao. Tuy nhiên, nguồn lực hiện tại mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu, đặc biệt ở giai đoạn phòng ngừa chấn thương, phục hồi thể lực và nâng cao thể trạng. Trước thực tiễn đó, Bệnh viện đã chủ động triển khai nhiều hoạt động chuyên môn thiết thực như: Phối hợp khám sức khỏe định kỳ, sàng lọc và tư vấn tại các Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia; Tổ chức khám, tư vấn, điều trị tại chỗ từ 3-4 đợt/năm cho các đội tuyển; Tiếp nhận điều trị nội trú, tư vấn từ xa cho các ca chấn thương chuyên sâu; Tập huấn chuyên đề cho huấn luyện viên, cán bộ y tế về phục hồi chức năng, dinh dưỡng, sinh lý và tâm lý thể thao; Tư vấn toàn diện cho vận động viên, từ điều trị - phục hồi đến tối ưu hóa hiệu suất thi đấu; Nghiên cứu và xây dựng phác đồ điều trị cá thể hóa, triển khai các đề tài khoa học ứng dụng trong thực tiễn huấn luyện - thi đấu.
Thực trạng công tác chăm sóc sức khỏe và điều trị chấn thương cho vận động viên
Những năm gần đây, Thể thao Việt Nam đã đạt nhiều thành tích nổi bật trên đấu trường khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, cùng với thành tích là áp lực ngày càng lớn về sức khỏe thể chất và tinh thần đối với vận động viên - lực lượng nòng cốt của thể thao thành tích cao. Việc chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa và điều trị chấn thương cho vận động viên ngày càng trở nên cấp thiết, đòi hỏi một hệ thống y học thể thao hiện đại, chuyên sâu và đồng bộ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế như: Quy trình kiểm tra, đánh giá thể trạng chưa được chuẩn hóa, chưa ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học công nghệ; Điều trị chấn thương và phục hồi thể lực chưa tích hợp chặt chẽ vào chu trình huấn luyện - thi đấu - hồi phục, thiếu tính cá thể hóa; Nhân lực y học thể thao còn thiếu và chưa đồng đều về chất lượng, nhất là tại các trung tâm huấn luyện và cơ sở địa phương; Chưa có hệ thống dữ liệu sức khỏe vận động viên liên thông, gây khó khăn trong theo dõi, quản lý và dự báo nguy cơ chấn thương; Mạng lưới y học thể thao tại cơ sở còn yếu, thiếu kết nối chuyên môn với tuyến trên; Chưa có khung năng lực và hệ thống vị trí việc làm cho chuyên ngành y học thể thao, ảnh hưởng đến công tác tuyển dụng, đào tạo và giữ chân nhân lực chất lượng cao.
Thực trạng trên cho thấy sự cần thiết và cấp bách trong việc xây dựng một hệ thống y học thể thao đồng bộ, hiệu quả và bền vững, trong đó, vai trò trung tâm của Bệnh viện Thể thao Việt Nam cần tiếp tục được phát huy và nâng tầm để đáp ứng yêu cầu của thể thao thành tích cao trong giai đoạn mới.

Định hướng xây dựng hệ thống y học thể thao quốc gia
Theo TS.BSCKII. Lê Thanh Tùng - Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam - để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thể thao thành tích cao trong giai đoạn phát triển mới, việc xây dựng một hệ thống y học thể thao quốc gia hiện đại, đồng bộ và bền vững là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài. Trên cơ sở thực tiễn và định hướng phát triển ngành, Bệnh viện đã đề xuất 5 nhóm định hướng trọng tâm:
- Tăng cường đầu tư và hoàn thiện cơ chế hỗ trợ phát triển y học thể thao chuyên sâu
Tiếp tục duy trì và mở rộng hỗ trợ tài chính từ ngân sách Nhà nước cho công tác kiểm tra, điều trị, phục hồi và phòng ngừa chấn thương. Xây dựng Quỹ chăm sóc sức khỏe vận động viên chuyên nghiệp, hỗ trợ toàn diện trong suốt chu trình huấn luyện - thi đấu - hồi phục. Bổ sung chính sách bảo hiểm y tế đặc thù, giúp vận động viên tiếp cận dịch vụ y tế chuyên sâu phù hợp với tính chất nghề nghiệp đặc thù.
- Xây dựng mạng lưới y học thể thao 3 tuyến, kết nối liên thông từ Trung ương đến cơ sở
Tuyến Trung ương: Bệnh viện Thể thao Việt Nam giữ vai trò trung tâm chuyên môn, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Tuyến khu vực: Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia và các trung tâm vệ tinh đảm nhiệm sàng lọc, điều trị ban đầu và phục hồi chức năng.
Tuyến cơ sở: Các câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp, trung tâm thể dục thể thao địa phương và cơ sở y tế thực hiện chăm sóc thường xuyên, phát hiện sớm, phối hợp điều trị. Thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống y học thể thao và y tế địa phương để đảm bảo liên tục trong theo dõi và chăm sóc sức khỏe vận động viên.
- Phát triển và chuẩn hóa nguồn nhân lực y học thể thao
Đẩy mạnh đào tạo chính quy bác sĩ thể thao tại các trường Đại học, xây dựng chương trình đào tạo bài bản, chuyên sâu. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên đề, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ y tế tại các tuyến. Xây dựng khung năng lực nghề nghiệp và hệ thống vị trí việc làm chuyên ngành y học thể thao, làm cơ sở cho tuyển dụng, đào tạo và đãi ngộ nhân sự.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và ứng dụng công nghệ hiện đại
Mở rộng hợp tác với các trung tâm y học thể thao, viện nghiên cứu và bệnh viện quốc tế để tiếp nhận chuyên gia, kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Ứng dụng các tiến bộ khoa học như trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến vận động, mô hình phân tích vận động học trong chẩn đoán và điều trị. Tham gia mạng lưới chuyên môn y học thể thao quốc tế, cập nhật xu hướng hiện đại, khẳng định vị thế của y học thể thao Việt Nam trong khu vực và thế giới.
- Xây dựng hệ sinh thái y học thể thao toàn diện, hiện đại và cá thể hóa
Phát triển hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân hóa, kết nối liên thông từ cơ sở đến Trung ương để theo dõi dài hạn và hỗ trợ điều trị hiệu quả. Xây dựng phác đồ điều trị và phục hồi cá thể hóa, phù hợp với từng môn thể thao, từng giai đoạn thi đấu và thể trạng vận động viên. Hình thành mô hình chăm sóc toàn diện: từ dự phòng - chẩn đoán sớm - điều trị - phục hồi - tâm lý - dinh dưỡng - tối ưu hóa thi đấu - kéo dài tuổi nghề. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuẩn hóa quy trình chuyên môn, xây dựng bộ chỉ số đánh giá và góp phần phát triển thể thao chuyên nghiệp quốc gia.
Trong xu thế đổi mới cơ chế quản lý, các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Bệnh viện Thể thao Việt Nam, đang từng bước chuyển sang cơ chế tự chủ tài chính. Đây là cơ hội để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức, đặc biệt đối với lĩnh vực y học thể thao - vốn mang tính đặc thù, phục vụ nhiệm vụ chính trị và phi lợi nhuận. Để duy trì và phát triển hiệu quả chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thể thao thành tích cao, Bệnh viện Thể thao Việt Nam kiến nghị một số nhóm chính sách trọng tâm như: Ưu tiên đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất chuyên ngành; Xây dựng cơ chế bảo hiểm y tế phù hợp với đặc thù vận động viên; Chính sách thu hút, đào tạo và phát triển nhân lực chất lượng cao; Đưa y học thể thao vào chiến lược phát triển Thể thao Việt Nam giai đoạn 2026-2045, với định hướng xây dựng hệ thống chuyên sâu, hiện đại, gắn kết với thể thao chuyên nghiệp và hoạt động thể chất cộng đồng.