Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh giới thiệu bộ sưu tập cổ ngọc với công chúng

Nhân kỷ niệm 43 năm thành lập Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh (1979-2022) và chào mừng Quốc khánh 2/9, ngày 30/8, Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh tổ chức khai mạc chuyên đề trưng bày cổ vật mang tên “Dáng ngọc”.

bao-tang-1661858332.png
Bảo tàng Lịch sử TP Hồ Chí Minh. Ảnh: www.baotanglichsutphcm.com.vn

Ông Hoàng Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh - cho biết, đây là lần mở kho “trình hiện” các tác phẩm trong bộ sưu tập cổ ngọc Việt Nam có niên đại từ thời tiền Sơ Sử thuộc các nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, Đồng Nai đến đầu thế kỷ XX và cổ ngọc Trung Quốc do Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh đang lưu giữ.

Trong đó, nổi bật là bộ sưu tập cổ ngọc của bác sỹ Dương Quỳnh Hoa (Dương Hà). Bộ sưu tập Dương Hà do hai vợ chồng giáo sư Dương Minh Thới và bà Hà Thị Ngọc - song thân của bác sỹ Dương Quỳnh Hoa (Bộ trưởng Bộ Y tế Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam) sưu tầm vào những năm 1930-1940. Đây là bộ sưu tập công phu với gần 3.400 hiện vật. Ngoài các cổ vật của Việt Nam, bộ sưu tập Dương Hà còn có các loại bình gốm men Nhật Bản có niên đại thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XXI; cối và chìa vôi của Campuchia... Bộ sưu tập đa dạng có niên đại trải dài từ thời tiền sử đến đầu thế kỷ XX.

Cùng với các cổ ngọc Việt, lần trưng bày này còn có những hiện vật nước ngoài. Trong đó, cổ ngọc đựng ngũ cốc dùng trong tế lễ với phần quai cầm hai bên được trang trí bằng hình tượng rồng qua các thời kỳ văn hóa Trung Hoa. Nhóm hiện vật “văn phòng tứ bảo”, với những chi tiết hoa văn cực kỳ tao nhã và tinh tế, từng được tầng lớp trí thức, quý tộc phong kiến sử dụng - là vật trưng cho phú quý và an khang.

Bên cạnh đó, nhóm hiện vật thể hiện quyền lực, địa vị của người sử dụng như nhẫn cung thủ, gậy ngọc như ý, ngọc bội, móc thắt lưng, khóa thắt lưng, mảnh trang trí… với các đường nét chạm khắc đa dạng, khéo léo của các nghệ nhân xưa.

Ngoài bộ sưu tập quý giá của Dương Hà, công chúng còn được ngắm nhìn các hiện vật của Victor Thomas Holbé (1857-1927) sưu tầm vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Bộ sưu tập này được xem là tiền đề trong việc hình thành Bảo tàng Blanchard de la Brosse vào năm 1929 - nay là Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo các tài liệu lịch sử, Holbé là một dược sỹ phục vụ trong Hải quân Pháp, đồng thời ông là Phó Chủ tịch Hội đồng thuộc địa Nam Kỳ. Ngoài vai trò về hành chính, Holbé là một nhà sưu tập và nghiên cứu nổi tiếng về cổ ngọc. Ông đã sưu tập được 2.160 hiện vật thuộc các nền văn hóa của Việt Nam và Đông Dương cũng như Trung Quốc, Nhật Bản. Sau khi Holbé qua đời, Hội Nghiên cứu Đông Dương đã vận động quyên góp tiền để mua lại bộ sưu tập của ông với giá 45.000 đồng Đông Dương.

Năm 1927, Thống đốc Nam kỳ Blanchard de la Brosse đã ký nghị định thành lập Bảo tàng Nam Kỳ, sau đó đổi tên thành Blanchard de la Brosse - do ông Jean Bouchot làm giám thủ đầu tiên. Sau khánh thành, bảo tàng trưng bày bộ sưu tập của dược sỹ Victor Thomas Holbé, gồm: Nhóm hiện vật bằng ngà (vật trang trí, con dấu), bằng đá quý, gốm, thủy tinh (bình phong, gậy như ý, lọ hít), nhóm tượng Phật của Nhật Bản, Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan. Bộ sưu tập Malleret với nhóm hiện vật trang sức của văn hóa Óc Eo: Nhẫn và khuyên tai vàng, chuỗi hạt bằng đá quý, cùng hơn 5.000 tác phẩm chuyên khảo quý hiếm về Đông Dương và vùng Viễn Đông.

Một số hiện vật khác còn từng được trưng bày ở Pháp tại nhiều địa điểm nổi tiếng như Paris, tháp Eiffel, Buffalo Bill. Bộ sưu tập hiện vật này rất quý hiếm, có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, mỹ thuật và gắn liền với sự phát triển của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, vào năm 2021, bộ sưu tập này từng được bảo tàng chọn mở kho online đầu tiên để ra mắt công chúng sau 100 năm gìn giữ.

Chuyên đề “Dáng ngọc” mở cửa tự do đón công chúng tại Bảo tàng Lịch sử TP. Hồ Chí Minh (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh) đến ngày 30/11/2022.

TTXVN