Mới đây, Bảo tàng Lịch sử quốc gia (BTLSQG) đã tổ chức chương trình tọa đàm: “Học tập, trao đổi phương pháp xử lý, bảo quản hiện vật khảo cổ học giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Bảo tàng Đắk Lắk”.
Tham dự buổi tọa đàm có ThS.Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học BTLSQG, ThS.Trần Quang Năm - Phó giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk, cùng cán bộ, viên chức các phòng chuyên môn của hai bảo tàng.
Mở đầu buổi tọa đàm, TS. Trương Đắc Chiến (cán bộ phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, BTLSQG, Chủ trì khai quật,) trình bày Báo cáo sơ bộ Kết quả khai quật lần 2 di tích Khảo cổ học Thác Hai (2021-2022). Kết quả khai quật đã cho thấy Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng và là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn có niên đại hơn 3.000 năm trước. Đồng thời, trong đợt khai quật lần 2, các nhà Khảo cổ học của BTLSQG và Bảo tàng Đắk Lắk cũng đã tìm thấy một số lượng lớn các loại hạt chuỗi bằng thủy tinh, trong đó có những hạt chuỗi thứ phẩm, phế phẩm, các mảnh thủy tinh nguyên liệu và nhất là sự có mặt của các hạt đá quartz trong địa tầng - một dạng silic được dùng chế tác nguyên liệu thủy tinh. Phát hiện này được xem là tín hiệu về công xưởng chế tác thủy tinh ở Thác Hai cách ngày nay hơn 2.000 năm. Kết quả nghiên cứu, khai quật ở Thác Hai đánh dấu sự thành công trong chương trình hợp tác giữa hai bảo tàng, mở ra nhiều hứa hẹn cho các chương trình hợp tác nghiên cứu trên vùng đất này trong tương lai.
Tiếp theo, trọng tâm của buổi tọa đàm là tham luận: “Bảo quản hiện vật gốm” của Ths. Nguyễn Thị Hương Thơm (Trưởng phòng Bảo quản, BTLSQG) và tham luận “Nghiên cứu phục dựng các hiện vật gốm, gốm men và sứ khảo cổ học” của Họa sĩ Chu Văn Vệ (chuyên gia phục dựng, phục chế hiện vật BTLSQG).
Hai tham luận đã chia sẻ quy trình, phương pháp, kinh nghiệm xử lý, bảo quản và phục dựng hiện vật trong quá trình khai quật, xử lý sau khai quật và phát huy trưng bày. Theo đó, tùy theo chất liệu, loại hình, tình trạng hiện vật và yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo… của hiện vật mà có phương pháp xử lý, bảo quản, phục dựng riêng. Do đó, yêu cầu với cán bộ trực tiếp làm công tác bảo quản ngoài sự tỉ mỉ, yêu nghề, cần có kiến thức chuyên môn để hoàn thành và xử lý bảo quản hiệu quả cho hiện vật. Sau khi được nghe trình bày các tham luận, tọa đàm đã nhận được nhiều câu hỏi và ý kiến trao đổi về công tác khai quật và phục dựng hiện vật khảo cổ học.
Tại buổi tọa đàm, Ths. Trần Quang Năm đã gửi lời cảm ơn tới Ban lãnh đạo BTLQG đã tổ chức buổi sinh hoạt khoa học chuyên môn rất bổ ích đối với các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Đắk Lắk. Đồng thời, thể hiện mong muốn được hợp tác với BTLSQG trong công tác bảo quản, phục dựng hiện vật khảo cổ học tại Bảo tàng Đắk Lắk.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, Ths. Nguyễn Thị Thu Hoan đã tiếp nhận đề xuất trên và chỉ đạo phòng Nghiên cứu - Sưu tầm, Bảo quản tư vấn, lên kế hoạch cho chương trình hợp tác bảo quản hiện vật khảo cổ học giữa BTLSQG và Bảo tàng Đắk Lắk.
Bên cạnh đó Ths Nguyễn Thị Thu Hoan cũng nhấn mạnh, buổi tọa đàm không chỉ là buổi sinh hoạt khoa học của riêng bộ phận bảo quản, bởi khi hiện vật được trưng bày tới công chúng là kết quả của quá trình phối hợp giữa các bộ phận, từ khai quật khảo cổ học, quản lý hiện vật, bảo quản hiện vật, trưng bày, giáo dục công chúng, truyền thông và công tác tư liệu. Do đó, tọa đàm là dịp để cán bộ làm công tác chuyên môn của hai Bảo tàng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ, qua đó góp phần nâng cao chuyên môn, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa.