Vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á: Khởi đầu cho những giấc mơ

Vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á sẽ chính thức khởi tranh vào ngày mai (16/11), với sự góp mặt của 36 đội bóng tranh tài tại 9 bảng đấu. Cuộc đua giành vé tới Mỹ, Canada, Mexico đã được khởi động với chặng đua sôi động nhất…

Lần đầu tiên, châu Á sẽ có tới 8,5 suất tham dự Vòng chung kết World Cup 2026 diễn ra tại Mỹ, Canada, Mexico, tăng gần gấp đôi khiến cuộc đua càng trở nên hào hứng với nhiều cơ hội dành cho các đội tuyển, trong đó có cả Việt Nam. Tất nhiên, hành trình World Cup chưa bao giờ dễ dàng, bằng phẳng, đặc biệt đối với các đội bóng tầm trung, đang nỗ lực rút ngắn khoảng cách về trình độ, tiệm cận với tốp đầu như đội tuyển Việt Nam.

Trên Bảng xếp hạng các đội bóng châu Á mới nhất, đội tuyển Việt Nam đang đứng ở vị trí 16, kém xa tốp 8 đội hàng đầu và theo tính toán của các chuyên gia và cả huấn luyện viên Troussier, để vươn lên bắt kịp cần có thời gian với chiến lược phát triển bền vững và những bước đi cụ thể.

4e493c4c0f08c3569a19-1700021277.jpg
Tiền đạo Tiến Linh từng là chân sút hàng đầu của đội tuyển Việt Nam tại Vòng loại World Cup 2022, với 7 bàn thắng ghi được

World Cup hiện tại vẫn chỉ là giấc mơ với các đội tuyển Đông Nam Á, tuy không còn quá xa vời nhưng không dễ vươn tới. Để giành được suất vé góp mặt tại Vòng chung kết, các đội bóng sẽ phải lần lượt vượt qua các cửa ải với 3 vòng đấu loại chính thức, vòng đấu play-off tại châu Á và cuộc đua chỉ thực sự khép lại sau trận đấu play-off Liên lục địa.

Đông vui và đầy đủ nhất chính là Vòng loại thứ hai khu vực châu Á với sự góp mặt của 36 đội bóng, gồm 26 đội bóng có thứ hạng cao nhất trên Bảng xếp hạng FIFA gần nhất và 10 đội bóng vượt qua Vòng sơ loại (vòng 1), được chia vào 9 bảng đấu. Sẽ chỉ có 18 suất vé đi tiếp vào Vòng loại thứ ba, dành cho các đội xếp thứ nhất và nhì tại các bảng đấu. Tại Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam đã có lần đầu tiên giành quyền vào tới Vòng loại thứ ba, tuy chưa thể giành suất tham dự Vòng chung kết World Cup 2022 tại Qatar, nhưng đã để lại nhiều ấn tượng với trận thắng lịch sử đúng ngày mùng 1 Tết Nhâm Dần trước Trung Quốc và kết thúc sau trận hòa Nhật Bản tại Tokyo.

Thực tế, cuộc đua tới World Cup tại châu Á chỉ dành cho các đội bóng hàng đầu như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Australia, Saudi Arabia, UAE. Đội tuyển Việt Nam sau nhiều nỗ lực vươn tầm, đặc biệt dưới thời huấn luyện viên Park Hang-seo, hiện đang nằm trong nhóm cuối của tốp hạt giống số 2 cùng các đội tuyển Qatar, Uzbekistan, Trung Quốc, Iraq, Syria, Oman và Bahrain. Tuy có tiềm năng, nhưng cơ hội cạnh tranh suất tham dự World Cup đã bị thu hẹp đáng kể. Ở khu vực Đông Nam Á còn có Thái Lan, dù đã 2 lần lọt vào Vòng loại thứ ba, nhưng chưa thắng được trận nào, Indonesia và Malaysia dù có tham vọng lớn, nhưng cũng chỉ mới dừng lại sau Vòng loại thứ hai.

28-svd-my-dinh1-1700021413.jpg
Cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup là một trong những hạn chế của bóng đá Đông Nam Á (Trong ảnh là Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình - Việt Nam)

Giấc mơ World Cup của các đội bóng Đông Nam Á sẽ trở thành hiện thực hơn khi Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) và một số quốc gia có tiềm lực đang vận động, lên kế hoạch chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2034. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 35 diễn ra tại Thủ đô Bangkok (Thái Lan), đã chứng kiến Lễ ký Biên bản ghi nhớ giữa ASEAN và Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA). Một số quốc gia thành viên của AFF như: Australia, Indonesia, Malaysia, Singapore đã công khai kế hoạch hợp tác để cùng chạy đua giành quyền đăng cai Vòng chung kết World Cup 2034.

Đan Phượng