Vòng chung kết ASIAN Cup 2023: Tránh thẻ phạt và hạn chế bàn thua trong cuộc đối đầu Nhật Bản

Tại Vòng chung kết ASIAN Cup 2019, đội tuyển Việt Nam vượt qua vòng đấu bảng nhờ hiệu số bàn thắng-bại và chỉ số fairplay và nhờ suất vé vớt dành cho 4 đội xếp thứ ba. Thử thách tại Qatar lần này lớn hơn rất nhiều khi nhìn vào tương quan lực lượng và thực tế, đội tuyển Việt Nam không mạnh hơn 5 năm trước…

tuan-anh-va-dong-doi-tung-cam-hoa-nhat-ban-ngay-tren-san-saitama-1705023915.jpg
Tuấn Anh cùng đồng đội khó lặp lại kỳ tích cầm hòa 1-1 trước Nhật Bản

Thật đúng với câu “ra ngõ gặp núi” khi đội tuyển Việt Nam phải so tài với đương kim á quân Nhật Bản ngay trong trận đấu mở màn trên sân Al Thumama vào ngày 14/1. Thầy trò huấn luyện viên Hajime Moriyasu đang có phong độ cực tốt với chuỗi 10 trận toàn thắng, trong đó có những trận thắng rất đậm, ghi 45 bàn và chỉ để thủng lưới 5 bàn. Với hiệu suất ghi bàn khủng khiếp, trung bình 4,5 bàn/trận, các chân sút đến từ xứ sở Mặt trời mọc chắc chắn sẽ đem đến nhiều khó khăn cho hàng phòng ngự của đội tuyển Việt Nam vốn bị sứt mẻ nghiêm trọng khi thiếu vắng nhiều trụ cột.

Mặc dù, huấn luyện viên Troussier từng có quãng thời gian 4 năm dẫn dắt đội tuyển Nhật Bản và ít nhiều hiểu được sức mạnh của nền Bóng đá quốc gia Đông Bắc Á, nhưng để hóa giải vẫn là bài toán khó. Nhìn vào lực lượng của đội tuyển Việt Nam ở thời điểm hiện tại, huấn luyện viên Troussier thậm chí còn đang phải đối diện với nguy cơ khủng hoảng lực lượng có tới gần chục cầu thủ phải chia tay vì chấn thương. So với 5 năm trước, khi đội tuyển Việt Nam để thua Iraq 2-3, thua Iran 0-2, nhưng nhờ thắng Yemen 2-0 vẫn lách được qua khe cửa hẹp để vào vòng 1/8 khi cùng có hiệu số -1, ngang bằng với Lybia, nhưng hơn ở chỉ số fairplay.

truc-tiep-nhat-ban-4-0-thai-lan-con-mua-ban-thang-382534-1705024039.jpg
Nhật Bản có chuỗi 10 trận thắng liên tiếp với hiệu suất trung bình 4,5 bàn/trận

Một kịch bản tương tự cũng có thể sẽ xảy ra tại Vòng chung kết ASIAN Cup 2023 khi đội tuyển Việt Nam rơi vào bảng đấu tương đối khó khăn với 2 đối thủ mạnh là Nhật Bản, Iraq và mục tiêu hiện thực nhất của thầy trò huấn luyện viên Troussier là phải thắng Indonesia để cạnh tranh suất vé vớt. Tất nhiên, để nằm trong tốp 4 đội bóng xếp hạng 3 lọt vào vòng 1/8, 3 điểm là chưa đủ mà còn phải nhìn vào hiệu số bàn thắng-bại và cả chỉ số fairplay dựa trên số thẻ phạt.

Thực tế, đội tuyển Việt Nam khó có cửa khi đối đầu với Nhật Bản, đội bóng có giá trị đội hình cao gấp 50 lần với 21/26 cầu thủ đang thi đấu ở nước ngoài, chủ yếu là các câu lạc bộ tên tuổi ở châu Âu. Trong khi huấn luyện viên Troussier đang sử dụng đội hình “cây nhà lá vườn” với toàn bộ các cầu thủ thi đấu trong nước. Công Phượng, cầu thủ duy nhất đang thi đấu tại Nhật Bản thậm chí còn không được gọi với lý do ít ra sân trong suốt mùa giải qua. Sự chênh lệch về đẳng cấp, trình độ đang là thực tế và người hâm mộ Bóng đá Việt Nam không chờ đợi phép màu hay một kỳ tích như đã từng xuất hiện khi thủ hòa 1-1 với Nhật Bản ở trận đấu cuối cùng tại Vòng loại World Cup 2022.

vff-81-1705024161.jpg
Huấn luyện viên Troussier sẽ có cách hóa giải sức mạnh Nhật Bản

Đá tấn công hay "ăn miếng trả miếng" với đối thủ mạnh như Nhật Bản không phải là sự lựa chọn khôn ngoan. Đội tuyển Việt Nam bây giờ cũng khó quay lại chơi phòng ngự chặt để chờ cơ hội tổ chức phản công như thời Park Hang-seo khi huấn luyện viên Troussier đang theo đuổi lối chơi hoàn toàn khác. Các tuyển thủ Việt Nam được rèn giũa kỹ năng kiểm soát bóng, di chuyển trong không gian hẹp và phối hợp nhỏ, nhưng vẫn thường để lộ những sai sót trong phòng ngự. 15 bàn thua trong 7 trận đấu gần nhất đã cho thấy những hạn chế của hàng phòng ngự đội tuyển Việt Nam.

Huấn luyện viên Troussier nói, đội tuyển Việt Nam không thể so sánh với Nhật Bản, nhưng nếu các cầu thủ biết phát huy hết năng lực và thi đấu với quyết tâm cao thì vẫn có thể tạo ra được bất ngờ. Người hâm mộ cũng chỉ mong như vậy, dù thực tế chỉ cần không để thua quá đậm trước Nhật Bản đã là thành công.

Việt Hưng