Lạ ở chỗ, trước mùa bóng mới VPF vẫn thường có các đoàn kiểm tra, khảo sát chất lượng sân bãi với mục đích xác định các sân bóng đạt chuẩn mới được tổ chức các trận đấu tại V.League. Sân Thanh Hóa quá tệ, ai cũng thấy điều đó, chỉ có các quan chức của VPF và Ban Tổ chức giải đã đến đây kiểm tra và thường xuyên xuất hiện trên khán đài là “mắt nhắm mắt mở” nên không thấy có vấn đề gì.
Xem cầu thủ thi đấu như bị hành xác trên mặt sân trơ trụi, cỏ chết gần hết, có những mảng lớn để lộ ra toàn cát nền thật khó có thể tưởng tượng tiêu chuẩn trên giấy của VPF và trên thực tế khác xa như thế nào.
Trận trước, chủ nhà Thanh Hóa tiếp đón Sông Lam Nghệ An trên sân ruộng, 2 đội hì hục đá mãi mà không ghi nổi bàn thắng nào. Sau trận “derby khu 4”, không chỉ đội khách kêu trời mà chính huấn luyện viên Popov của đội chủ nhà cũng thừa nhận: “Các cầu thủ đã rất nỗ lực. Nhưng với mặt sân thế này thì rất khó để chơi bóng, đặc biệt khi phải chơi tấn công. Muốn phá vỡ hệ thống phòng ngự cần phối hợp thật nhanh. Nhưng với mặt sân thế này, chúng tôi không thể đá như vậy được".
Vòng 3, Thanh Hóa tiếp đón SHB Đà Nẵng vẫn trên mặt sân thậm chí còn tệ hại hơn trận trước. Cầu thủ của 2 đội bị mặt sân hành hạ, vừa đá vừa sợ chấn thương, trong khi ngoài khu vực kỹ thuật các huấn luyện viên liên tục lắc đầu ngán ngẩm. Chủ nhà Thanh Hóa có được 3 điểm nhờ bàn thắng nhọc nhằn ghi được trong hiệp 2, nhưng cũng chẳng vui nổi khi phải tiếp khách trên cái mặt sân thật đáng xấu hổ.
Ban Tổ chức sân Thanh Hoá bao biện, mặt sân bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi, các đợt rét đậm kèm sương muối khiến cỏ bị chết rụi. Thế nhưng, cũng như sân Mỹ Đình nguyên nhân chủ yếu nằm ở khâu chăm sóc. Nhiều sân bóng phía bắc như Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định thời tiết, khí hậu còn khắc nghiệt hơn mà cỏ vẫn xanh đấy thôi.
Thực tế, các sân bóng ở V.League chủ yếu do các địa phương quản lý nên câu lạc bộ muốn nâng cấp, cải thiện chất lượng cũng phải xin phép mới được làm. Vấn đề là “xuân thu nhị kỳ” trước mùa giải, VPF vẫn cử các đoàn đi kiểm tra, thị sát nhưng vẫn để mặc cho tình trạng xuống cấp bày ra trước mắt khán giả.
Thi đấu trên mặt sân như thế thì đừng đòi hỏi chất lượng cao, hấp dẫn để thu hút khán giả đến sân cổ vũ. Chưa kể, hình ảnh của các trận đấu vẫn phải diễn ra trên mặt sân tệ hại như tại Thanh Hóa, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới tiếng tăm của V.League, giải đấu VPF luôn tự hào ngày càng chuyên nghiệp.
Sân bóng không đạt chuẩn thì nên đóng cửa, đổi sang sân khác để thi đấu cho đàng hoàng đừng có nể nang, ngại đụng chạm, xuê xoa không dám làm, phó mặc cầu thủ nghiến răng thi đấu như hành xác.