Còn hơn cả nỗi đau, khi chứng kiến đội nhà phải xuống chơi ở giải hạng Nhất như mùa giải 2010, rồi rơi thẳng xuống hạng Nhì ngay năm 2011. Đội bóng xuống hạng dù buồn đến mấy vẫn le lói hy vọng sẽ có ngày trở lại nếu đủ quyết tâm và cơ hội, nhưng không giữ được cổ động viên thì đá cho ai xem và chưa biết bao giờ mới nở mày nở mặt. Nam Định vốn nổi tiếng với đông đảo cổ động viên yêu bóng đá cuồng nhiệt và giàu bản sắc. Nhờ thế mà Thiên Trường mới trở thành “thánh địa” luôn sôi động và đầy ắp cảm xúc với những sắc màu riêng có. Kể cả những lúc khó khăn, khi đội bóng thành Nam phải “giật gấu vá vai”, ăn đong theo từng mùa bóng với nỗi lo trụ hạng, phải nương tựa vào cổ động viên để có thêm sức mạnh vượt khó theo kiểu “con nhà nghèo”.
Dễ có tới gần chục mùa bóng lận đận, nhiều phen lên bờ xuống ruộng với Đạm Phú Mỹ, Mikado, Megastar, Dược Nam Hà… và giờ là Thép Xanh Xuân Thiện, đã chi không ít tiền để đưa về sân Thiên Trường những bản hợp đồng đình đám. Tính ra, trên thị trường chuyển nhượng mùa bóng 2023, Nam Định có lẽ chỉ chịu kém tiền tí xíu khi đứng cạnh “thiếu gia” Công An Hà Nội, trong khi nhiều “đại gia” tên tuổi khác cũng phải chào thua về khoản chịu chi. Nhưng tốn tiền mua nhiều sao như thế, chẳng lẽ chỉ đá trụ hạng thôi sao?
Thật không hiểu nổi lãnh đạo câu lạc bộ tính toán kiểu gì, khi đội nhà đã lọt vào tốp 8 mà lại đá trêu ngươi khán giả, khiến các cổ động viên ném trống, đập kèn, đem trả cả áo cờ chất đống trước câu lạc bộ, rồi xin cạch, dừng hoạt động cổ vũ cho đội nhà. Trận đấu tại sân Lạch Tray, chỉ còn một nhóm vài trăm cổ động viên gượng gạo theo chân đội bóng. Cầu thủ vẫn chưa hết sốc thi đấu uể oải và phải nhận thất bại 0-2. Chỉ mới vài ngày trước, Nam Định cũng đã đá thua như hắt nước vào mặt khán giả, vốn đã hoài nghi và ấm ức với cách làm bóng đá theo kiểu “bạo vì tiền”.
Nhiều cổ động viên lão làng, có tiếng nói với thâm niên hàng chục năm gắn bó và thực sự coi đội bóng như máu thịt, giờ cảm thấy như bị phản bội. Hội cổ động viên bóng đá Nam Định có hơn 62.000 thành viên, hầu hết đều bày tỏ sự bức xúc và thất vọng với đội nhà đang đánh mất dần bản sắc và có thể còn bị thao túng với những toan tính thực dụng. Thật đau xót và cay đắng, nhiều người không còn đủ kiên nhẫn và cảm thấy bị xúc phạm khi bỏ tiền mua vé vào sân tưởng được xem một trận đấy hay ho, hấp dẫn và sòng phẳng nhưng lại bị tra tấn bởi thứ bóng đá nhạt nhẽo và giả dối.
Chẳng khác gì một cái tát trời giáng vào niềm tin và cả tình yêu bóng đá. Cũng thật hiếm khi người ta thấy đơn vị tổ chức giải phải gửi công văn bày tỏ thái độ, nhắc nhở đội bóng mang tên Thép Xanh nhưng lại thi đấu nhũn như bún “không phản ánh đúng thực lực, trình độ và trái với tinh thần bóng đá chuyên nghiệp, điều lệ giải và các quy định liên quan… đã gây nên sự phản đối của nhiều cổ động viên, người hâm mộ và ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của giải đấu và của đội câu lạc bộ …".
Thật đáng buồn là ở V.League hiện tại đâu chỉ có sáu mươi ngàn nỗi đau đã bùng nổ thành cơn thịnh nộ tại Thiên Trường mà còn đang âm ỉ ở sân Vinh, khi Sông Lam Nghệ An đá theo kiểu “mềm nắn rắn buông”, Khánh Hòa cũng không còn muốn gây khó cho các đối thủ sau khi trụ hạng, đã thua mấy trận, rồi sắp tới đây Đà Nẵng chắc cũng sẽ xuống hạng, gieo sầu cho cổ động viên sông Hàn. VPF làm công văn nhắc nhở các câu lạc bộ đá kiểu buông xuôi, nhưng liệu có nghĩ tới việc chính thể thức thi đấu 2 giai đoạn đã tạo cơ hội cho các đội bóng không còn mục tiêu ở mùa giải như Nam Định, Khánh Hòa, Sông Lam Nghệ An… bị mất phương hướng, mất luôn động lực nên mới đá theo kiểu… ối giời ơi.