V.League 2023-2024: "Sổ đỏ" sân Hàng Đẫy

Trước trận derby giữa Công an Hà Nội và Thể Công Viettel ở vòng 1/8 Cúp Quốc gia 2023-2024, trên khán đài B sân vận động Hàng Đẫy xuất hiện tấm áp phích lớn, mô phỏng bìa sổ đỏ mang tên Công an Hà Nội và ngay lập tức bị Ban Tổ chức yêu cầu tháo gỡ…

fb-img-1710330355035-1710388286.jpg
"Sổ đỏ" mang tên Công an Hà Nội xuất hiện trên sân Hàng Đẫy. Ảnh: Nguyễn Quang Minh

Sân vận động Hàng Đẫy đang là sân nhà của 3 đội bóng ở Thủ đô là: Hà Nội FC, Thể Công Viettel và Công an Hà Nội. Phần vì cảnh “nhà đông con” lại bị Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) thúc ép nên mới sinh ra chuyện “giành sân, tranh sổ đỏ” khi cả 3 đội bóng đều quyết tâm bám trụ, không chịu nhận suất “tái định cư” để chuyển đi nơi khác.  

Thật lạ, bởi Hà Nội đâu chỉ có mỗi sân Hàng Đẫy đang xuống cấp, tàn tạ tới mức phải cấm khán giả trèo lên tầng 2 khán đài B. Cổ động viên (xin lỗi) có nhu cầu “giải quyết nỗi buồn” vẫn thường phải bấm bụng ngồi xem bóng đá còn hơn vào “trải nghiệm” nhà vệ sinh hoảng hốt. Cái sân bóng vừa tệ, vừa nát, thỉnh thoảng lại cúp điện ngang hông, nhưng khổ nỗi vì nằm ở vị trí đắc địa giữa trung tâm Thủ đô nên chẳng đội nào muốn chuyển xuống Hà Đông hay Mỹ Đình để thi đấu cho văn minh, rộng rãi lại không mang tiếng chen chúc, tranh giành nhau và vi phạm quy định của AFC.

fb-img-1710330315807-1710388392.jpg
Sân vận động Hàng Đẫy đang xuống cấp trầm trọng

Trên tấm áp phích xuất hiện ở sân Hàng Đẫy còn có cả số hiệu HN10101956 có lẽ muốn xác thực được cấp 2 năm sau ngày giải phóng Thủ đô. Thể Công thậm chí đã gắn liền với sân Hàng Đẫy từ năm 1954, trước khi chuyển tới sân Cột Cờ, giờ đã được trả lại cho Hà Nội. Hà Nội FC đích thị là “cậu út”, mãi tới năm 2006 mới ra đời với tên khai sinh Hà Nội T&T. Trước đó, Hà Nội ACB, Hòa Phát Hà Nội hay xa hơn nữa cả Tổng cục Đường sắt… cũng từng xem sân Hàng Đẫy như sân nhà.

Tránh cảnh “cha chung không ai khóc” nên tới năm 2017, thành phố Hà Nội đã quyết định giao sân Hàng Đẫy cho câu lạc bộ Hà Nội T&T tiến hành nâng cấp, sửa chữa. Tập đoàn T&T của "bầu" Hiển còn có kế hoạch phá bỏ sân cũ để xây sân Hàng Đẫy mới với kinh phí hơn 7 ngàn tỷ đồng, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy động thổ. Hôm 11/3, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức cuộc gặp gỡ để lắng nghe ý kiến của 3 đội bóng đang thi đấu tại sân Hàng Đẫy. Tất nhiên, chẳng ai muốn dời đi nên viện dẫn đủ mọi lý do để chứng minh là “chủ nhân đích thực” xứng đáng ở lại với sân Hàng Đẫy. 

ban-to-chuc-giai-cac-giam-sat-trong-tai-trao-doi-voi-hai-doi-bong-de-giai-quyet-su-co-mat-dien-tren-san-hang-day-1710388757.jpg
Sân Hàng Đẫy từng tối om vì mất điện và 2 đội bóng phải đá chỉ với 3 cột đèn le lói

Treo “sổ đỏ” lên khán đài cũng là cách để khuấy động dư luận, dù biết trước sẽ phải nhận án phạt bởi theo Khoản b, Điều 67 Quy định về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, câu lạc bộ sẽ bị phạt 15 triệu đến 70 triệu đồng nếu để cổ động viên, khán giả sử dụng các phương tiện như: pano, áp phích, biểu ngữ, loa, kèn, trống... cổ động không phù hợp, thiếu lành mạnh, phản cảm…

Tấm áp phích khẳng định quyền sở hữu treo trên sân Hàng Đẫy tuy chỉ xuất hiện trong nháy mắt, nhưng vẫn kịp chiếm trọn spotlight khiến nhiều người chẳng biết nên vui hay buồn khi chứng kiến cảnh các câu lạc bộ giàu truyền thống của Thủ đô xào xáo tranh nhau “sổ đỏ” mà chẳng quan tâm tới cái sân bóng đang xuống cấp trầm trọng, liệu có thể gắng gượng được thêm mấy mùa nữa?

Đan Phượng