Vận động viên xe đạp BMX Beth Shriever - người đã giành huy chương vàng - tiết lộ rằng, cô phải huy động vốn cộng đồng để có thể tham gia Thế vận hội, điều này đặt ra câu hỏi về cách Team GB được tài trợ. Cô gái 22 tuổi đến từ Essex đã chia tay đội xe đạp Anh (British Cycling) vào năm 2017, sau khi UK Sport quyết định chỉ hỗ trợ các tay đua BMX nam tham dự Olympic Tokyo vì không có nữ vận động viên Anh quốc nào vượt qua vòng loại cho Rio 2016. British Cycling đã tạo ra gói hỗ trợ riêng được tài trợ thông qua thu nhập thương mại cho các nữ tay đua BMX, nhưng Shriever và huấn luyện viên của cô quyết định tốt nhất là tự xây dựng chương trình riêng gần nhà của cô ở Essex.
Cô làm việc bán thời gian tại một nhà trẻ và huy động cộng đồng được 50.000 bảng Anh để có thể đi đến các giải đấu vòng loại Olympic trên khắp thế giới. Vào năm 2018, UK Sport đã loại bỏ điều khoản cấm British Cycling đầu tư vào các tay đua BMX nữ, vì vậy sau đó, họ đã có thể hỗ trợ Shriever trong quá trình chuẩn bị cho Tokyo. Câu chuyện của Shriever cho thấy, UK Sport có quyền lực to lớn như thế nào trong việc phân bổ nguồn tài trợ.
Và đây là cách thức hoạt động của hệ thống tài trợ cho Team GB:
Ủy ban Olympic Anh (BOA) chịu trách nhiệm tài trợ cho sự tham dự của Team GB tại Thế vận hội. Ủy ban này cũng lựa chọn các vận động viên thi đấu tại Olympic, cùng với UK Sport và các tổ chức quản lý của Anh quốc cho từng môn thể thao Olympic. BOA là một tổ chức độc lập và không nhận tài trợ từ Chính phủ hoặc xổ số, do đó hoàn toàn phụ thuộc vào tiền tài trợ thương mại và thu nhập từ gây quỹ. BOA đứng đầu kim tự tháp tài trợ Olympic, nhưng chính nguồn tài trợ trước Olympic mới là yếu tố quyết định đưa một vận động viên đến với các trò chơi.
Thể thao Vương quốc Anh (UK Sport) là cấp độ tiếp theo trên thang xếp hạng và là cấp độ quan trọng nhất đối với các vận động viên Olympic vì nó quyết định ai nhận được tài trợ nào. UK Sport là một cơ quan thuộc Chính phủ, đồng thời cũng chịu trách nhiệm phối hợp và hỗ trợ tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế lớn trên khắp Vương quốc Anh. Sứ mệnh của cơ quan này là "dẫn dắt thể thao ở Vương quốc Anh đến thành công đẳng cấp thế giới", có nghĩa là hợp tác với các tổ chức quản lý các môn thể thao riêng lẻ để giành huy chương tại Olympic và Paralympic. Nguồn vốn của tổ chức này đến từ cả Chính phủ và Xổ số quốc gia, chịu trách nhiệm trước Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Anh. UK Sport chịu trách nhiệm xác định và đánh giá xem vận động viên nào có tài năng và tiềm năng giành huy chương trong tương lai tại các kỳ Olympic và Paralympic sắp tới trước khi BOA (Hiệp hội Olympic Anh) chọn vận động viên cho các kỳ thi đấu tiếp theo. Sứ mệnh của UK Sport là dành sự hỗ trợ phù hợp cho các vận động viên phù hợp vì những lý do chính đáng. Cơ quan này có một cách tiếp cận "không khoan nhượng" đối với việc tài trợ, nghĩa là các môn thể thao có thành tích tốt hơn sẽ nhận được nhiều tiền hơn với hy vọng đảm bảo giành được nhiều huy chương hơn.
Nếu các môn thể thao không thể chứng minh tiềm năng giành huy chương của mình, họ sẽ mất tiền tài trợ - giống như BMX đã từng. Cách tiếp cận nghiêm khắc này đã được thay đổi một chút sau khi một số môn thể thao, chẳng hạn như Thể dục dụng cụ, chứng kiến các huấn luyện viên ép buộc các vận động viên nhằm mục đích giành chiến thắng và do đó nhận được tài trợ. Ông Hugh Robertson - Chủ tịch BOA - nói: "Để giành được huy chương vàng, bạn cần 4 thứ: Tiền bạc, cơ cấu tổ chức, huấn luyện và các vận động viên có sự chuẩn bị cùng sức mạnh tinh thần phù hợp. Tiền cho phép các môn thể thao xây dựng cấu trúc phù hợp, tìm ra huấn luyện viên giỏi và quan trọng là, nó cho phép các vận động viên có thể tập luyện toàn thời gian”.
Một trong những nguồn quan trọng cung cấp tiền cho các kế hoạch này là từ Xổ số quốc gia. Việc tài trợ từ Xổ số bắt đầu sau khi nước Anh chỉ giành được một huy chương vàng tại Thế vận hội Atlanta năm 1996, và kể từ đó không ngừng tăng lên. Bà Katherine Grainger - Chủ tịch của UK Sport - là một trong những vận động viên đầu tiên được hưởng lợi từ quyết định phân bổ tiền Xổ số cho thể thao của Thủ tướng John Major khi đó. Bà cho biết, Rowing là một trong những môn thể thao đầu tiên được hưởng lợi khi Sir Steve Redgrave và Sir Matthew Pinsent giành được huy chương vàng duy nhất tại Atlanta. "Nó hoàn toàn thay đổi. Trước đây, chưa bao giờ có huấn luyện viên toàn thời gian cho đội nữ và đột nhiên chúng tôi có một huấn luyện viên - và cả sự hỗ trợ y tế nữa", bà nói. Cho đến lúc đó, các vận động viên buộc phải đi làm hoặc đi vay nợ - hoặc cả hai - để thi đấu.
Tổng cộng 345 triệu bảng Anh đã được đổ vào các chương trình thể thao Olympic cho Tokyo, tăng từ 274 triệu bảng cho Rio và 264 triệu bảng cho London. Hơn 5.000 vận động viên ưu tú đã được hưởng lợi từ quỹ Xổ số Quốc gia, nguồn vốn từ việc công chúng chơi xổ số. Bà Tani Grey-Thompson - vận động viên Paralympic giành được 16 huy chương - cho biết, nguồn tài trợ này đã "thực sự thay đổi bộ mặt của thể thao Anh và biến Vương quốc Anh thành một cường quốc về thành tích huy chương". UK Sport cuối cùng quyết định mức tài trợ từ Xổ số sẽ dành cho từng môn thi đấu Olympic.