V-League 2022: Bao giờ hết cảnh ăn đong?

Mới tuần trước, các cầu thủ Nam Định lên mạng xã hội kêu than vì bị câu lạc bộ nợ tiền lương 3 tháng chưa trả đồng nào. Nhà tài trợ mới “chân ướt chân ráo” tiếp quản đội bóng đã phải mở hầu bao, ứng trước 2 tỷ đồng để giải ngân, giúp câu lạc bộ thanh toán nợ nần…

Chuyện ở Nam Định vừa êm êm thì đến lượt hơn chục cầu thủ câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh đình công, không chịu ra sân tập ngay trước trận đấu ở vòng 1/8 với câu lạc bộ Sài Gòn tại vòng loại Cúp quốc gia 2022 diễn ra vào ngày 10/4 tới. Lý do các cầu thủ phản ứng trước việc lãnh đạo câu lạc bộ cắt giảm lương và tiền lót tay. Mùa bóng 2021, V-League chỉ thi đấu 12 vòng rồi bị hủy, buộc câu lạc bộ phải cân đối lại các khoản thu, chi theo hướng cắt giảm tiền lương và phí lót tay của cầu thủ. Cụ thể, lãnh đạo câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh chỉ đồng ý hỗ trợ 10% phí lót tay cho nửa mùa bóng còn lại bị hủy bỏ. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ không đồng ý đã quyết định đình công, không tập luyện.

nam-dinh-1649428431.jpg
Nam Định (áo vàng) vừa được nhà tài trợ giải cứu

Điều đáng nói là câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh mùa bóng trước từng nổi lên với những phi vụ chuyển nhượng đình đám. Sau khi huấn luyện viên Alexandre Polking chia tay để sang dẫn dắt đội tuyển Thái Lan, Trần Minh Chiến mới về dẫn dắt đội bóng từ đầu mùa giải 2022. Mang tiếng là đội bóng “nhà giàu” nhưng thành phố Hồ Chí Minh cũng không tránh khỏi cảnh sa cơ và buộc phải “thắt lưng buộc bụng” bằng cách cắt giảm tiền lương và phí lót tay cho cầu thủ. Nếu mọi chuyện không được giải quyết ổn thỏa, câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ lâm vào cuộc khủng hoảng khi huấn luyện viên Trần Minh Chiến chỉ còn hơn nửa đội hình ra sân tập.

V-League từng chứng kiến nhiều câu lạc bộ lâm vào cảnh nợ nần, gắng gượng ăn đong từng mùa, thậm chí phải giải thể khi không còn khả năng chi trả. Hồi đầu mùa bóng 2022, câu lạc bộ Quảng Ninh tuyên bố giải thể, cầu thủ tùy nghi đi tìm bến đỗ mới sau thời gian dài chìm trong khủng hoảng. Trước đó, Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An, Thanh Hóa may mắn được giải cứu nhờ tìm được nhà tài trợ mới. Nam Định tuy có nhà tài trợ muộn hơn nhưng nhờ 2 tỷ đồng tạm ứng của Tập đoàn Xuân Thành cũng tránh được nguy cơ vỡ nợ ngay sau vạch xuất phát.
Trên thực tế, dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực và càng làm lộ rõ những hạn chế của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam khi hầu hết các câu lạc bộ đang lệ thuộc vào nguồn lực tài chính bấp bênh của các ông bầu, nhà tài trợ, thậm chí phải sống nhờ ngân sách địa phương. Sau khi V-League 2021 bị hủy, các khoản thu đều sụt giảm khiến các đội bóng lâm vào cảnh khó khăn chồng chất. V-League 2022 mới chỉ diễn ra 4 vòng đấu, các câu lạc bộ lại tiếp tục “ngồi chơi xơi nước” thêm 4 tháng khiến mọi chuyện càng trở nên tồi tệ.

“Miệng ăn núi lở”, V-league có thể dừng 4 tháng nhưng các câu lạc bộ vẫn phải trả lương và nuôi quân trong khoảng thời gian này. Một khi giải bóng đá chuyên nghiệp không duy trì được hệ thống thi đấu ổn định và liên tục, các đội bóng sẽ phải đối diện nhiều áp lực với các khoản chi phí tốn kém để duy trì và giữ phong độ cho cầu thủ. Chưa biết từ giờ tới tháng 7 sẽ có thêm đội bóng nào phải giảm lương, giãn nợ và đối mặt với nguy cơ khủng hoảng như thành phố Hồ Chí Minh và Nam Định?

Việt Hưng