
Báo cáo tại buổi làm việc, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, Cục Xuất bản, In và Phát hành là tổ chức hành chính thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực xuất bản, in (bao gồm cả in các sản phẩm không phải là xuất bản phẩm) và phát hành xuất bản phẩm (sau đây gọi tắt là lĩnh vực xuất bản, in và phát hành).
Trên cơ sở nhận thức hoạt động xuất bản là 1 trong 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa và tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng chuyển từ làm văn hóa sang quản lý văn hoá, Cục xác định các nhiệm vụ trọng tâm trên 4 phương diện: Xây dựng thể chế; Tổ chức thực hiện pháp luật; Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm; Hỗ trợ các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành.
Các nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản; Hoàn thiện văn bản pháp quy hướng dẫn triển khai Chương trình xuất bản sử dụng ngân sách nhà nước; Định hướng đề tài xuất bản chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng; Tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư; Tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ VIII; đẩy mạnh phối hợp thanh tra, kiểm tra, xử lý in lậu và xâm phạm bản quyền trên không gian mạng; tham gia hoạt động đối ngoại ngành và xuất bản sách phục vụ đối ngoại; Phát triển thị trường sách điện tử tương tác, sách tinh gọn, sách ngắn...
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng báo cáo một số khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất bản, in, phát hành và trình bày một số đề xuất, kiến nghị với Lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phát biểu, trao đổi các nội dung liên quan đến tình hình triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng như công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Bộ.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao các kết quả đạt được của Cục Xuất bản, In và Phát hành, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế, bất cập của ngành. Thứ trưởng cũng lưu ý một số vấn đề liên quan đến công tác đóng góp vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIV, vấn đề sửa Luật Xuất bản, công tác nhân sự cũng như chiến lược phát triển đơn vị.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nêu rõ, nhìn lại lịch sử gần 80 năm hình thành và phát triển có thể thấy, ngành Xuất bản, In và Phát hành đã luôn thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Thông qua hoạt động xuất bản, phát hành góp phần tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước cũng như đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Với vai trò quản lý nhà nước, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống và kinh nghiệm để đóng góp vào sự phát triển của ngành cũng như sự phát triển chung của đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ Cục Xuất bản, In và Phát hành.
Về những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Cục Xuất bản, In và Phát hành:
Thứ nhất, phải dành ưu tiên số 1 cho công tác hoàn thiện thể chế. Theo đó, Cục cần nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền đóng góp nội dung liên quan đến lĩnh vực xuất bản, in và phát hành vào văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Cục cần gấp rút báo cáo cấp có thẩm quyền sửa Luật Xuất bản theo tinh thần mới là kiến tạo sự phát triển, tạo không gian cho sự phát triển khi luật cũ đã ban hành được hơn 12 năm.
Bên cạnh đó, Cục cần nghiên cứu đề xuất Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành Xuất bản, In và Phát hành để đáp ứng yêu cầu phát triển.
"Đây là nhiệm vụ quan trọng, xương sống đối với ngành mà Cục Xuất bản, In và Phát hành cần ưu tiên thực hiện trong thời gian tới", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Thứ hai, Bộ trưởng yêu cầu phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành. Từ thanh tra, kiểm tra để sớm phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, từ đó kiến nghị, đề xuất giải pháp tháo gỡ.
Thứ ba, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải thống kê, rà soát lại toàn bộ hệ thống các nhà xuất bản, cơ sở in, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phát hành sách để xây dựng một bộ cơ sở dữ liệu cơ bản trong lĩnh vực này và bộ cơ sở dữ liệu này phải liên tục được bổ sung, cập nhật.
Thứ tư, Cục Xuất bản, In và Phát hành phải chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan để đấu tranh, ngăn chặn việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực xuất bản đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo ngắn ngày cho một số đối tượng thuộc lĩnh vực quản lý.

Về một số nhiệm vụ cụ thể quan trọng trong thời gian tới, Bộ trưởng yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành tổ chức Giải thưởng Sách Quốc gia bài bản, quy mô lớn, hiệu quả cao, đảm bảo chất lượng gắn với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Giải thưởng phải kích thích sự sáng tạo của tác giả, khơi gợi không gian để tác giả tự do sáng tạo trên con đường nghệ thuật và phải lựa chọn được những tác phẩm, tác giả tiêu biểu nhất.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao Cục phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở, Gia đình và Thư viện tổ chức tốt Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Bộ trưởng cũng giao Cục Xuất bản, In và Phát hành nghiên cứu, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực xuất bản, in và phát hành theo hướng chuyển từ gặp gỡ giao lưu sang hợp tác đích thực, có sản phẩm cụ thể, có chiều sâu và hiệu quả lâu dài, điều chỉnh kế hoạch nhiệm vụ theo hướng nhóm các việc, triển khai có trọng tâm, trọng điểm, phân công người phụ trách (có người chủ trì, người phối hợp). Đồng thời phải xây dựng nội bộ đoàn kết, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ...