Hội nghị nhằm quán triệt tinh thần, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 30; tập trung tổ chức triển khai các nội dung được giao tại Chỉ thị 30 một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả; xác định rõ các hoạt động, nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay và các nhiệm vụ dài hạn; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp đối với các ngành có tiềm năng lợi thế cạnh tranh, phát triển trọng tâm trọng điểm các ngành Công nghiệp Văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại Hội nghị, các đại biểu trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đối với các nhóm vấn đề thực tiễn triển khai phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa từ góc độ các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp. Hội nghị còn thảo luận đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại hạn chế phát triển công nghiệp văn hóa trong thời gian qua; nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho hay, Hội nghị triển khai Chỉ thị 30 được tổ chức ở thời điểm rất quan trọng khi Đảng, Nhà nước đang chuẩn bị các tài liệu, văn kiện Đại hội XIV của Đảng. Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng trách nhiệm cụ thể của các Bộ, Ngành liên quan, trách nhiệm của các địa phương, đặc biệt là các địa phương được xác định là trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa. Chỉ thị 30 là một bước để nâng cao nhận thức của xã hội về công nghiệp văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp và xã hội làm công nghiệp văn hóa; thay đổi cách làm của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuyển từ làm văn hóa sang quản lý Nhà nước về văn hóa.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, từ năm 2015 trở lại đây, thành phố đã luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hoá ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Trong đó, sự phát triển của các ngành Công nghiệp Văn hóa được xác định là một mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của văn hoá. Đà Nẵng xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực, trong đó tập trung vào: Quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.
Hội nghị đã tập trung vào 3 nhóm vấn đề:
Thứ nhất: Đánh giá, phân tích kỹ lưỡng những kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm. Nhận diện thời cơ, thách thức của công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới;
Thứ hai: Giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, nhất là trong cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các Bộ, Ngành, địa phương, thu hút nguồn lực hợp tác công tư; những chính sách về khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi về hạ tầng, công nghệ, vốn, thuế, đầu tư; thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số;
Thứ ba: Xác định sản phẩm, dịch vụ cần tập trung đầu tư để tạo hiệu quả và sức lan tỏa cao. Tầm quan trọng của phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành Công nghiệp Văn hóa cả về số lượng và chất lượng.
Tại Hội nghị, các đại biểu đề xuất mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào dự thảo Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp Văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với xu hướng phát triển mới hiện nay của đất nước nhằm đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế và mang lại giá trị gia tăng kinh tế, góp phần quan trọng phát huy và quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong ghi nhận và đánh giá cao các tham luận, ý kiến đóng góp, đề xuất, kiến nghị của các đại biểu rất phù hợp, đúng trọng tâm.Thứ trưởng cho rằng, Hội nghị ngày hôm nay có tính chất mở để tất cả cùng thảo luận và chia sẻ cách giải quyết. Việc kết hợp cân bằng giữa 2 yếu tố là văn hóa và du lịch chắc chắn sẽ tạo nên những kết quả tích cực, hài hòa góp phần cho sự phát triển kinh tế xã hội.