Ghi nhận tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao TP.HCM, hàng loạt vận động viên đội tuyển Muay - Kickboxing có những trải nghiệm hoàn toàn mới khi luyện tập với “máy đấm” tích hợp AI, thiết bị Trí lực Master. Mỗi cú ra đòn, mọi chỉ số về lực, tốc độ, kỹ thuật đều được đo trực tiếp và truyền về điện thoại thông minh của huấn luyện viên để theo dõi và đánh giá. Theo chia sẻ của võ sĩ Nguyễn Đức Hòa, việc tập với máy giúp vận động viên chủ động phát huy tối đa sức mạnh, biết rõ được kỹ năng và mức tiến bộ sau mỗi buổi tập, đồng thời đạt hiệu quả lớn hơn so với cách huấn luyện truyền thống.
Huấn luyện viên Trần Quang Minh (đội tuyển boxing) nhận định, khi có hệ thống phân tích số liệu chi tiết, Ban huấn luyện dễ dàng xây dựng chiến thuật chuyên biệt cho từng cá nhân và có thể điều chỉnh giáo án dựa trên những dữ liệu khách quan ngay trong buổi tập. Điều này góp phần tiết kiệm thời gian, tăng tính chính xác trong đánh giá năng lực và giảm thiểu rủi ro chấn thương do các động tác sai kỹ thuật, nhờ thiết bị hỗ trợ điều chỉnh kịp thời.
Định hướng phát triển thể thao dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại cũng nhận được sự đồng thuận và chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Ngành. Ông Nguyễn Nam Nhân Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông minh, AI, Big Data và sinh lý vận động là chìa khóa then chốt để nâng cao thành tích, không còn phụ thuộc vào cảm tính mà chuyển sang huấn luyện dựa trên cơ sở khoa học. Đây sẽ là tiền đề để đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên tiếp cận và vận dụng xu thế mới - điều bắt buộc trong cuộc đua thể thao thành tích cao hiện nay.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao TP.HCM đang chuẩn bị thí điểm ứng dụng công nghệ sóng não và các phương pháp kiểm tra tâm lý hiện đại trong tháng 9, nhằm kiểm soát tốt hơn yếu tố tâm lý thi đấu. Ban lãnh đạo kỳ vọng, các công nghệ này sẽ góp phần giải quyết “điểm nghẽn” thường thấy ở vận động viên: tập luyện xuất sắc nhưng chưa thể hiện được phong độ khi bước vào thi đấu đỉnh cao.
Song song, việc sử dụng thiết bị cảm biến, đồng hồ thông minh hỗ trợ theo dõi mạch, đo lượng vận động trong từng buổi tập đã được áp dụng rộng rãi ở các đội tuyển để giám sát mức độ vận động, hồi phục chấn thương… Nhờ đó, huấn luyện viên có thể giảm tải công việc thủ công, tập trung hơn vào khía cạnh chuyên môn, còn vận động viên được luyện tập với giáo án phù hợp trình độ và đa dạng hóa phương pháp rèn luyện cá nhân hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu bước đầu, ngành Thể thao thành phố vẫn đối mặt nhiều thách thức. Việc đầu tư thiết bị công nghệ còn hạn chế so với nhu cầu thực tế: hệ thống AI Trí lực Master mới chỉ thí điểm ở các môn võ đối kháng, cảm biến hiện chỉ có khoảng 50 bộ cho hơn 1.000 vận động viên, và hệ thống số hóa mới triển khai ở 15-16 môn, chưa thể đáp ứng đại trà. Ngoài ra, để các thiết bị hoạt động ổn định, Trung tâm phải lắp đặt thêm hệ thống mạng và đường truyền riêng biệt, phát sinh nhiều chi phí vận hành, bảo trì.
Trong bối cảnh công nghệ thể thao toàn cầu bùng nổ, TP.HCM xác định việc nâng tầm huấn luyện bằng AI, thiết bị cảm biến, công nghệ sóng não sẽ là hướng phát triển lâu dài, phục vụ cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, chuyên nghiệp hóa công tác điều hành, tiến tới tiệm cận tiêu chuẩn các nền thể thao mạnh trong khu vực và châu lục. Đột phá bằng trí tuệ nhân tạo giờ đây không chỉ là xu thế, mà còn là yếu tố sống còn giúp thể thao thành phố giữ vững vị thế đầu tàu cả nước trong kỷ nguyên chuyển đổi số.