Tại Hội nghị tập huấn hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ tổ chức ngày 1/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, thời gian gần đây, bệnh đậu mùa khỉ đã lây lan ra 79 quốc gia và làm lây nhiễm cho hơn 22.400 người, tử vong 5 ca.
Ngày 23/7, Tổ chức Y tế Thế giới đã công bố đậu mùa khỉ trong tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu và kêu gọi các quốc gia khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.
Hiện tại, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp ca bệnh xâm nhập. Tuy nhiên, một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã ghi nhận ca nhiễm nên nguy cơ bệnh lây lan vào Việt Nam chỉ trong ngày một ngày hai, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhận định.
Thứ trưởng đề nghị các cơ sở y tế chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác phòng chống dịch, bao gồm phát hiện sớm dựa trên lâm sàng, tìm nguồn cung cấp xét nghiệm chẩn đoán để chủ động phát hiện sớm ca bệnh xâm nhập, cách ly và điều trị kịp thời; tiếp tục tổ chức tập huấn đến các cơ sở khám, chữa bệnh, từ bệnh viện các tuyến và trạm y tế cấp xã để sớm phát hiện ca bệnh.
Đồng thời, truyền thông để người dân biết các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, kịp thời đến cơ sở khám, chữa bệnh để thăm khám, cách ly, điều trị.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cần triển khai việc sàng lọc, phát hiện sớm ca bệnh để cách ly, điều trị. Có phương án chuẩn bị cơ sở thu dung, cách ly, điều trị trong trường hợp dịch bùng phát.
"Trước diễn biến dịch trên thế giới, chúng ta không hoang mang nhưng cũng không chủ quan trước dịch đậu mùa khỉ. Vì vậy, tôi đề nghị các đơn vị tiếp tục chuẩn bị để sẵn sàng ứng phó với dịch", Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
Phân tuyến điều trị
Trong giai đoạn hiện nay, Bộ Y tế tạm thời phân tuyến y tế xã, phường, quận, huyện phát hiện các trường hợp nghi ngờ trong cộng đồng và ca bệnh khi đến khám; quản lý ca bệnh không triệu chứng, ca bệnh nhẹ; cách ly tạm thời, hội chẩn với bệnh viện tuyến trên để điều trị tại chỗ và chuyển bệnh viện tuyến trên khi có dấu hiệu nặng; phối hợp với cơ quan y tế dự phòng, truyền thông và bệnh viện tuyến trên trong công tác giám sát, truyền thông và điều trị.
Đối với cơ sở y tế tuyến tỉnh, Trung ương, tăng cường cảnh giác phát hiện các trường hợp nghi ngờ đến khám tại bệnh viện; điều trị hoặc phối hợp với các cơ sở y tế tuyến dưới trong việc điều trị những ca đầu tiên xâm nhập vào Việt Nam; tổ chức tập huấn cho các cơ sở khám chữa bệnh; kiểm tra, hướng dẫn và hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới công tác điều trị; nghiên cứu lâm sàng các ca bệnh đậu mùa khỉ khi xâm nhập.
Dấu hiệu chuyển tuyến
Bộ Y tế cũng hướng dẫn các dấu hiệu để chuyển viện cho bệnh nhân kịp thời. Cụ thể, các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị như: Giảm thị lực, giảm ý thức, hôn mê, co giật, suy hô hấp, chảy máu, giảm số lượng nước tiểu, các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.
Bộ Y tế cũng đưa ra kế hoạch 3 kịch bản để các cơ sở y tế sẵn sàng tổ chức thực hiện trong công tác điều trị bệnh nhân.
Tình huống 1, chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam: Các cơ sở y tế chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cho phòng chống dịch; xây dựng quy trình nội bộ đón tiếp, cách ly và điều trị người bệnh; thành lập đội chống dịch cơ động hỗ trợ tuyến dưới; tổ chức diễn tập phòng chống dịch; điều trị ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo.
Tình huống 2, có các trường hợp bệnh đậu mùa khi xâm nhập vào Việt Nam. Các cơ sở y tế tổ chức khu điều trị cách ly riêng; cập nhật quy trình nội bộ đón tiếp, cách ly và điều trị; thường trực 24/24h; rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh; tổ chức tập huấn bổ sung cho cán bộ nhân viên y tế; chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.
Tình huống 3, dịch lây lan ra cộng đồng. Các cơ sở y tế mở rộng khu vực cách ly, điều trị, huy động các khoa lâm sàng và các bộ phận hỗ trợ tham gia; thường trực 24/24h; sẵn sàng đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết; phân loại người bệnh để điều trị, hạn chế di chuyển người bệnh; thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn, giám sát…
Bệnh được chia thành 3 thể:
Thể không triệu chứng: Người nhiễm virus đậu mùa khỉ không có bất kỳ triệu chứng lâm sàng nào.
Thể nhẹ: Các triệu chứng thường hết sau 2 đến 4 tuần mà không cần bất kỳ biện pháp điều trị đặc hiệu nào.
Thể nặng: Thường gặp trên nhóm đối tượng nguy cơ cao (phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người mắc bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch,...), có thể dẫn tới tử vong, thường từ tuần thứ 2 của bệnh. Người bệnh có thể gặp tình trạng nhiễm khuẩn da với các biểu hiện sốt kéo dài, dịch nốt phỏng đục hoặc nốt phỏng bị vỡ chảy dịch đục.
Một số người bệnh có thể bị viêm phổi (ho, tức ngực, khó thở), viêm não (ý thức suy giảm, co giật, lú lẫn, hôn mê), nhiễm khuẩn huyết (sốt kéo dài, tổn thương các cơ quan phủ tạng).
Đường lây truyền bệnh đậu mùa khỉ
Đậu mùa khỉ (monkey pox) có khả năng gây dịch, do virus đậu mùa khỉ gây ra. Bệnh có nguồn gốc từ châu Phi. Bệnh đậu mùa khỉ lây truyền từ động vật sang người khi người có tiếp xúc trực tiếp với máu, thịt, dịch cơ thể của động vật bị nhiễm bệnh.
Việc lây truyền bệnh từ người sang người khi tiếp xúc trực tiếp gần, lây qua vết thương hở, dịch cơ thể, giọt bắn lớn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Sự lây truyền có thể xảy ra qua nhau thai từ mẹ sang thai nhi hoặc khi tiếp xúc gần trong và sau khi sinh.
Dấu hiệu nguy hiểm
5 dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ như giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp; chảy máu, giảm số lượng nước tiểu; các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn.