Thúc đẩy, khai thác các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cạnh tranh, bảo đảm tăng trưởng bền vững

Triển khai Quyết định số 1415/QĐ-TTg ngày 14 tháng 11 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng lưới phân phối nước ngoài đến năm 2030” và Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030, Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch hành động.

vh-1-1673102478.jpg
Ảnh minh họa: Internet

Mục tiêu của Kế hoạch nhằm thúc đẩy, khai thác các thị trường xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cạnh tranh, bảo đảm tăng trưởng bền vững với cơ cấu cân đối, hài hòa trong dài hạn; Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tăng cường sản xuất các sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; xác lập và phát triển được các thương hiệu hàng hóa, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam; Thay đổi tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, hợp tác chặt chẽ với mạng lưới phân phối hàng hóa nước ngoài theo hướng chuyên nghiệp, bền vững để gia tăng kim ngạch xuất khẩu; tăng khả năng cung ứng ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật trong nước và ngoài nước, nâng cao vị thế, hình ảnh quốc gia Việt Nam.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ VHTTDL đã đề ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó nhấn mạnh đến các nội dung: Rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách mới hoặc sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, cơ chế chính sách hiện hành theo hướng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phân phối thuận lợi các mặt hàng văn hóa, nghệ thuật xuất khẩu ra thị trường thế giới và nhập khẩu, đưa về Việt Nam các sản phẩm có giá trị tinh hoa văn hóa, nghệ thuật của nhân loại. Tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, thuận lợi, bình đẳng, minh bạch.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, huy động nguồn vốn đầu tư, nhân lực, kiến thức, kinh nghiệm… của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước tham gia vào sản xuất, phân phối hàng hóa văn hóa, nghệ thuật trong nước.

Tăng đầu tư cho các công trình, dự án ứng dụng, triển khai công nghệ vào sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, trong đó ưu tiên phát triển và khai thác tối đa các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng cung ứng ra thị trường như điện ảnh, mỹ thuật, nhiếp ảnh... Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho sản xuất, phát triển xuất khẩu hàng hóa, sản phẩm văn hóa.

Chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về thương mại, ngoại thương. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam chủ động tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản phẩm, cung ứng, phân phối hàng hóa thị trường quốc tế, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng lưới phân phối nước ngoài trên cơ sở phát huy thế mạnh và các lợi thế của mặt hàng, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hiện đại của Việt Nam.

Phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng tạo nguồn cung sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đa dạng, bền vững, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.

Tăng cường quản lý, thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong lĩnh vực văn hóa góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký quyền tác giả đối với các logo sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Xây dựng, phát triển và xác lập được các thương hiệu hàng hóa, sản phẩm văn hóa, nghệ thuật của Việt Nam ra thế giới.

Từng bước áp dụng các biện pháp, phương thức nhằm thay đổi tư duy quản lý, tổ chức sản xuất, hợp tác chặt chẽ với mạng lưới phân phối hàng hóa nước ngoài trên các kênh truyền thống và thương mại điện tử theo hướng chuyên nghiệp, bền vững để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng khả năng cung ứng thị trường hàng hóa văn hóa. - Tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng. Quản lý chặt chẽ các nội dung sản phẩm văn hóa nước ngoài nhập khẩu, phân phối vào thị trường Việt Nam.

Nâng cao năng lực của các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trong việc kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tại các cửa khẩu trên toàn quốc; thiết lập cơ chế phối hợp có hiệu quả giữa cơ quan Hải quan và cơ quan quản lý chuyên ngành. Tiếp tục nghiên cứu cơ chế phối hợp với cơ quan hải quan để thực hiện hải quan một cửa quốc gia đối với hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tiếp tục áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo phiên bản tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 trong giải quyết hồ sơ và thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa thuộc quản lý chuyên ngành của Bộ Văn hóa, Thể 3 thao và Du lịch để có thể giảm được thời gian xử lý hồ sơ, tiết kiếm chi phí hành chính và chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, người dân. Cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh chuyên ngành đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu, logistic, mua bán trao đổi sản phẩm văn hóa phù hợp với thông lệ quốc tế.

Rà soát, chuẩn hóa các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý, thẩm quyền giải quyết của Bộ đối với hoạt động xuất nhập khẩu, mua bán hàng hóa quốc tế, bảo đảm 100% thủ tục hành chính được chuẩn hóa, kịp thời công bố công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính và niêm yết đồng bộ, thống nhất tại nơi tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công. - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu để đổi mới quy trình quản lý, tổ chức sản xuất nâng cao hiệu quả công việc, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch.

Nâng cao vai trò của các hội, hiệp hội ngành hàng văn hóa, nghệ thuật, thương mại và các doanh nghiệp, tổ chức trong việc tham gia hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu. Hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin thị trường, nhu cầu, xu hướng phát triển của thị trường thế giới.

Tổ chức các hoạt động truyền thông, đa dạng hóa phương thức quảng bá trực tiếp và gián tiếp sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Tăng cường các hoạt động giới thiệu, xúc tiến, quảng bá sản phẩm văn hóa, hình ảnh đất nước, con người, sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam ở trong nước và nước ngoài để có thể mở rộng, đa dạng thị trường nhập khẩu, xuất khẩu.

Khai thác, tận dụng tối đa các hiệp định thương mại tự do, hiệp định đầu tư đã có hiệu lực giữa Việt Nam và đối tác; tiếp tục đàm phán, thúc đẩy quá trình mở cửa thị trường xuất khẩu sản phẩm văn hóa, nghệ thuật có thế mạnh của Việt Nam, tạo tiền đề cho việc đưa các sản phẩm này vào hệ thống phân phối thị trường nước ngoài.

Bộ VHTTDL yêu cầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình nghiên cứu các nội dung của Quyết định số 1415/QĐ-TTg, Quyết định số 1445/QĐ-TTg và các nhiệm vụ được phân công trong Danh mục một số nhiệm vụ trọng tâm kèm theo Kế hoạch hành động này để xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện nhiệm vụ tại cơ quan, đơn vị mình. Tổ chức thực hiện và cụ thể hóa thành các mục tiêu nhiệm vụ trong kế hoạch công tác hàng năm. Tổ chức kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan của Kế hoạch hành động bảo đảm đạt được yêu cầu về chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ. Báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hành động lồng ghép trong các nội dung báo cáo công tác hàng quý, sáu tháng và cuối năm của cơ quan, đơn vị…

P.V