Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa đã đề nghị như thế khi bàn về việc phân loại, hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Vùng đất đa dạng lễ hội
Trên địa bàn tỉnh lễ hội khá đa dạng, từ truyền thống đến cung đình, Phật giáo, Thiên chúa giáo, người Việt gốc Hoa, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, lễ hội mang tính quốc tế mới du nhập… Vì thế, việc xác định tiêu chí chung để lựa chọn lễ hội tiêu biểu không đơn giản.
Theo ý kiến của ông Hoa, lễ hội tiêu biểu trên địa bàn tỉnh sẽ bao gồm lễ hội tiêu biểu của Việt Nam, lễ hội cung đình và truyền thống của Cố đô Huế, lễ hội tiêu biểu của tỉnh, lễ hội tôn giáo tín ngưỡng tiêu biểu, lễ hội ngành nghề tiêu biểu, lễ hội làng xã tiêu biểu, lễ hội văn hóa du lịch của Thành phố Festival Huế.
Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh cho biết, lâu nay giới nghiên cứu văn hóa dân gian cũng đã có quan niệm mấy cách phân định loại hình lễ hội như cung đình, dân gian, truyền thống, hiện đại. Tuy nhiên do không còn cung đình, nên việc thực hiện một số lễ hội cung đình là do một số cơ quan văn hóa tham gia tổ chức. Vì thế, hiện nay lại có xu thế phân định: lễ hội truyền thống và lễ hội hiện đại.
Ngoài ra, để khu biệt các ngành nghề người ta còn phân biệt lễ hội các ngành nghề như lễ giỗ tổ nghề kim hoàn, lễ giỗ ngành tuồng, lễ tế tổ ngành ca Huế, lễ giỗ tổ nghề nhiếp ảnh, festival nghề truyền thống Huế… “Xét cho cùng phân định là để nhận thức, quản lý và góp phần thúc đẩy sự phát triển của lễ hội và phải gắn với xã hội đương đại”, ông Vinh nhấn mạnh.
Ở góc nhìn khác, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế, Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh nhìn nhận, nội dung lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh có thể chưa được phong phú so với một số làng quê hình thành từ lâu đời ở vùng Bắc bộ. Đó cũng là điều dễ hiểu vì Thừa Thiên Huế là vùng đất mới hình thành cách đây hơn 700 năm, lại trải qua nhiều biến động của lịch sử. Tuy nhiên, đây là vùng đất kinh sư, có sự ảnh hưởng từ triều đình nhà Nguyễn, nên việc thực hành phần lễ trong lễ hội lại càng thêm phong phú.
Tùy theo góc độ tiếp cận mà có cách phân loại khác nhau
Những năm gần đây, nhiều lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh từng bước được phục hồi. Một số lễ hội ở các di tích lịch sử văn hóa, tôn giáo, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng đã được tổ chức với mục đích phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, di tích lưu niệm danh nhân, thực hành tín ngưỡng, tâm linh… nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần cho người dân.
“Nhiều lễ hội được lồng ghép trong các kỳ festival của tỉnh và TP. Huế đã mang lại những thành tựu đáng kể trong hoạt động văn hóa, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, thu hút được nhiều khách tham quan trong nước và quốc tế”, ông Thế nói. Ngoài ra cũng lưu ý thêm vẫn còn nhiều lễ hội ở một số làng xã trong tỉnh vẫn chưa được phục hồi, đặc biệt là đối với các làng đã từng có những lễ hội, trò chơi, trò diễn hấp dẫn nhưng đang có nguy cơ bị mai một.
Nói thêm về việc quy định, phân cấp quản lý lễ hội, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa lưu ý việc này cần cân nhắc kỹ. Không nên phân chia quản lý lễ hội tiêu biểu theo bốn cấp: Trung ương, tỉnh, huyện, xã. Tuy nhiên, có thể tùy tính chất, quy mô của lễ hội, chính quyền cấp tỉnh có thể phân cấp cho cấp huyện theo dõi, trực tiếp chịu trách nhiệm đối với những lễ hội trên địa bàn huyện và thành phố, thị xã. Tương tự, chính quyền cấp huyện có thể phân cấp cho cấp xã quản lý những lễ hội trên địa bàn xã.
TS. Phan Thanh Hải - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao - cho rằng, tùy theo góc độ tiếp cận của mỗi nhà nghiên cứu mà đưa ra một cách phân loại khác nhau về hệ thống lễ hội. Hiện, sở đang chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp tỉnh với chủ đề “Nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống lễ hội ở Thừa Thiên Huế”. Những ý kiến này sẽ phục vụ đề tài một cách thiết thực, trong đó nhấn mạnh đến việc xây dựng tiêu chí, phân loại về hệ thống lễ hội ở tỉnh. Từ đó, bảo tồn và phát huy các giá trị gắn với phát triển du lịch bền vững, đồng thời xác định được cách phân loại phù hợp nhất đối với hệ thống lễ hội trên địa bàn tỉnh trong bối cảnh hiện nay.