Đại diện đoàn có GS. Yamagata Mariko đến từ trường Đại học RIKKYO (Tokyo - Nhật Bản); TS. Kitahara Yu - chuyên gia khảo cổ trường địa từ và đá từ tính (Đại học Khoa học Tự nhiên Okayama, Viện Frontier khoa học và kỹ thuật - Nhật Bản).
Đoàn tham quan, khảo sát nhằm đề ra kế hoạch nghiên cứu tiếp theo đối với di tích Mỹ Sơn cũng như các di tích khác trên địa bàn huyện Duy Xuyên sau một thời gian dài gián đoạn bởi dịch COVID-19.
Tại buổi làm việc, TS. Kitahara Yu giới thiệu về việc ứng dụng "Khảo cổ trường địa từ" và "Đá từ tính" tại Nhật Bản để xác định niên đại các cổ vật đất nung cũng như ứng dụng trong nghiên cứu nhiệt độ, môi trường nung, thăm dò các di tích, di vật còn lưu giữ trong lòng đất.
Xác định niên đại các công trình kiến trúc và hiện vật khảo cổ tại di tích Mỹ Sơn cũng như các di tích kiến trúc Champa còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu. Phương pháp phân tích lịch sử nghệ thuật thường được áp dụng trước đây còn hạn chế do các công trình kiến trúc cổ thường được tu sửa, xây thêm, hay tái sử dụng vật liệu, trang trí.
Chuyến tham quan, khảo sát của đoàn chuyên gia Nhật Bản còn có mục đích đề ra các chương trình phối hợp, hợp tác nghiên cứu, trong đó có việc ứng dụng phương pháp "Khảo cổ trường địa từ" và "Đá từ tính" trong việc xác định niên đại cho các công trình kiến trúc gạch tại Mỹ Sơn.