Thể thao thành tích cao Yên Bái cần có định hướng chuyên nghiệp hóa

Thể thao thành tích cao của Yên Bái đang phát triển khá, gặt hái nhiều thành tích trên đấu trường quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, vẫn còn đó nhiều khó khăn làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển và khả năng giành huy chương của thể thao tỉnh tại các đấu trường. Để phát triển thể thao thành tích cao lâu dài, Yên Bái cần có chiến lược với các định hướng cụ thể.

Yên Bái là một tỉnh khó khăn về nhiều mặt trong hoạt động thể thao, nhất là số lượng vận động viên giỏi đủ khả năng giành thành tích cao trên đấu trường quốc gia, quốc tế không nhiều, mà các vận động viên lại chuyển sang thi đấu cho địa phương khác đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thể thao tỉnh. Đây cũng là điều mà lãnh đạo ngành Thể thao tỉnh Yên Bái luôn trăn trở. 

vovinam-1722590307.jpg

Giai đoạn từ năm 2011-2016, bộ môn Điền kinh của tỉnh phát triển, giành được nhiều thành tích và có nhiều vận động viên khoác áo đội tuyển trẻ, đội tuyển quốc gia thi đấu thành công. Tiêu biểu là vận động viên Nguyễn Thị Ly, bộ môn Điền kinh. Qua 10 năm tập luyện và thi đấu, Ly đã giành được rất nhiều huy chương tại các giải quốc gia; đặc biệt, Nguyễn Thị Ly giành được huy chương vàng tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 7 tổ chức ở tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, vào năm 2016, vận động viên Nguyễn Thị Ly có đơn xin nghỉ tập luyện cùng gia đình chuyển về Ninh Bình sinh sống. Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, động viên, nắm tâm tư, nguyện vọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các vận động viên tiếp tục tập luyện và thi đấu cho tỉnh, song Ly vẫn mong muốn được phía Trung tâm tạo điều kiện để em gần gia đình. Xét thấy quá trình tập luyện, thi đấu và cống hiến của Nguyễn Thị Ly cho thành tích thể thao của tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND tỉnh đồng ý cho Ly được nghỉ tập luyện để giải quyết công việc gia đình. 

Thể thao thành tích cao Yên Bái còn bị tổn thất lực lượng khi một số vận động viên trong các đội tuyển cầu mây, đá cầu… xin nghỉ tập luyện và thi đấu, rẽ sang con đường học Đại học, học nghề hoặc đi làm việc khác. 

Ông Đào Bình An - Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thể dục thể thao tỉnh - cho biết: "Nhìn một cách tổng thể, thể thao thành tích cao của Yên Bái vẫn còn đó nhiều trở ngại làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển. Đặc biệt, chế độ đãi ngộ, khen thưởng của Yên Bái không được cao. So với bình quân chung trên toàn quốc thì chế độ, chính sách đối với vận động viên thể thao thành tích cao của tỉnh chỉ đứng ở mức trung bình thấp. Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến cho nhiều vận động viên muốn ra đi và tìm kiếm bến đỗ mới”. 

Công tác phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh gặp không ít thách thức, với hệ thống cơ sở vật chất thể dục thể thao về cơ bản vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tập luyện và thi đấu, sân bóng rổ hay phòng ở cho vận động viên đã xuống cấp; vận động viên không có nhiều cơ hội đi tập huấn, thi đấu ở nước ngoài...; đội ngũ huấn luận viên làm thể thao thành tích cao còn mỏng, thiếu kinh nghiệm. Chính những điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến thành tích thi đấu của các vận động viên Yên Bái trên đấu trường quốc gia.

Để giải quyết thực trạng khó khăn kể trên, Ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Yên Bái đã có kế hoạch, mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm để thể thao thành tích cao có bước chuyển mình mạnh mẽ để hướng tới chuyên nghiệp hóa. Những năm qua, lãnh đạo tỉnh, ngành Văn Hóa, Thể thao và Du lịch đã quan tâm công tác xây dựng cơ sở vật chất, trang bị dụng cụ tập luyện và thi đấu thể thao đáp ứng công tác đào tạo, tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. 

Đến nay, tỉnh đã tu sửa Sân vận động Yên Bái, sân điền kinh đã có đường chạy nhựa tổng hợp. Năm 2023, tỉnh ban hành thực hiện Nghị quyết số 36/2023/NQ-HĐND ngày 8/7/2023 của HĐND tỉnh về Quy định chế độ dinh dưỡng đặc thù với vận động viên, huấn luyện viên thể thao trên địa bàn… đã nâng mức hỗ trợ chế độ dinh dưỡng từ 130-190 nghìn/ngày đối với từng đối tượng vận động viên. 

Với phương châm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và tránh dàn trải, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh thường xuyên duy trì đào tạo 140 vận động viên ở 3 tuyến, 50 vận động viên tuyển tỉnh, 60 vận động viên tuyển trẻ, 30 vận động viên năng khiếu của 10 môn. Đây cũng chính là những môn thể thao mũi nhọn, thế mạnh của tỉnh từng gặt hái nhiều thành công ở các giải quốc gia và quốc tế. 

Trung bình hằng năm, Thể thao Yên Bái đều giành từ 50-55 huy chương các loại tại các giải đấu quốc gia và quốc tế, có từ 17-20 vận động viên cấp Kiện tướng, 30-40 vận động viên cấp I quốc gia, 4 đội hạng A toàn quốc môn Bóng chuyền, Cầu mây, Bóng rổ, đóng góp cho đội tuyển quốc gia từ 8-10 vận động viên tham gia thi đấu và giành huy chương tại các giải quốc tế. 

bong-chuyen-2-1722590380.jpg

Thể thao thành tích cao của Yên Bái đang có bước chuyển mình mạnh mẽ hướng đến chuyên nghiệp hóa. Tuy nhiên, để quá trình này thực sự có hiệu quả và quan trọng hơn là thể thao tỉnh nhà tiếp tục khẳng định được vị thế của mình trên bình diện toàn quốc, có nhiều hơn nữa những vận động viên giành huy chương ở các giải đấu toàn quốc và khu vực. Để làm được điều này, tỉnh cần sớm cho chủ trương và cấp kinh phí để mở lại các lớp năng khiếu nghiệp dư ở các huyện, các trường học. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh xã hội hóa thu hút các nguồn kinh phí để tổ chức nhiều hơn các giải đấu cho đối tượng học sinh để qua đó phát hiện các vận động viên có năng khiếu. 

Đồng thời cần có chế độ đãi ngộ tương xứng đối với vận động viên để các em yên tâm theo nghiệp thể thao lâu dài, chuyên tâm đầu tư tập luyện giành thành tích cao cho tỉnh. Mặt khác, các cấp, các ngành cũng cần đẩy mạnh phát triển thể thao học đường, tạo nền tảng vững chắc cho thể thao thành tích cao Yên Bái trong những giai đoạn tiếp theo. Trong đó, tiếp tục tập trung đầu tư phát triển các môn thể thao thành tích cao có thế mạnh của tỉnh. Quan trọng nhất là quan tâm ngân sách đầu tư cho thể thao thành tích cao…

Thu Hiền