Thể thao Hậu Giang: Tiềm năng Judo - Jujitsu

Trong Đề án Phát triển Thể thao thành tích cao tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030, Judo và Jujitsu được tỉnh xác định là 2 môn thể thao mũi nhọn. Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, 2 môn thể thao này đã mang về nhiều tín hiệu tích cực cho Thể thao Hậu Giang.

Judo Hậu Giang hiện có 19 vận động viên (9 tuyển, 5 trẻ, 5 năng khiếu), Jujitsu với 8 vận động viên (2 tuyển, 2 trẻ, 4 năng khiếu). Từ đầu năm đến nay, bộ môn Judo và Jujitsu đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các giải khu vực Đồng bằng, quốc gia và quốc tế, giành 90 huy chương các loại, chiếm gần 23,7% tổng số lượng huy chương Thể thao thành tích cao của tỉnh. Trong đó, môn Judo với 12 huy chương vàng, 12 huy chương bạc, 15 huy chương đồng và môn Jujitsu là 10 huy chương vàng, 18 huy chương bạc, 23 huy chương đồng.

judo-hau-giang-1699001545.jpg
Các vận động viên bộ môn Judo tích cực tập luyện

Judo là môn thể thao hình thành từ những ngày đầu mới thành lập tỉnh, có vai trò quan trọng trong quá trình gặt hái thành tích ở các giải quốc gia. Bằng sự nỗ lực không mệt mỏi, đội đã có được thời gian đỉnh cao vào hơn 1 thập kỷ trước như huy chương bạc SEA Games 26 năm 2011, huy chương bạc giải Judo trẻ quốc tế 2012…

Bất kỳ môn thể thao nào cũng khó thoát khỏi guồng quay phát triển - tụt hậu, Judo Hậu Giang dần mất vị thế ở bản đồ quốc gia do nhiều tác động từ thiếu hụt nguồn huấn luyện viên, vận động viên giỏi và sự lớn mạnh về phong trào của các tỉnh, thành trong cả nước. Đề án Phát triển Thể dục thể thao thành tích cao tỉnh, giai đoạn 2016-2020, như mở ra con đường mới giúp Judo Hậu Giang có thêm nhiều điều kiện cần thiết khi được bổ sung nguồn lực con người, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chế độ dinh dưỡng…

Khi Judo Hậu Giang vừa khôi phục lại đội hình ổn định, với mong muốn bắt kịp xu hướng phát triển chung, tỉnh thành lập đội tuyển Jujitsu từ đầu năm 2022, với 1 huấn luyện viên, 2 vận động viên (1 tuyển và 1 trẻ). Đây là trọng trách không nhỏ cho bộ môn để huấn luyện, đào tạo bài bản, sát thực tế, bắt buộc cần phải uyển chuyển trong cách làm. Phần lớn, vận động viên jujitsu được chuyển từ judo sang nên thể lực ổn định, kỹ năng chuyên môn tương đối tốt, có bề dày tập luyện, thi đấu vững vàng. Sau hơn 1 năm bắt nhịp với huấn luyện chuyên sâu, tại Đại hội Thể thao Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IX, Jujitsu Hậu Giang xếp hạng 3 toàn đoàn với 8 huy chương vàng, 10 huy chương bạc, 13 huy chương đồng.

Để đạt mục tiêu phát triển, ổn định lực lượng, bộ môn Judo nỗ lực cho việc xây dựng các câu lạc bộ phong trào, dù thực tế rất khó thu hút võ sinh. Hiện bộ môn đang chiêu sinh lớp Judo dành cho các em từ 6 tuổi trở lên, học vào ngày thứ Hai, Tư, Sáu hoặc thứ Ba, Năm, Bảy hàng tuần tại Trường Tiểu học Kim Đồng (thành phố Vị Thanh). Những lớp phong trào là nơi Ban huấn luyện lựa chọn được gương mặt phù hợp, có tố chất để bồi dưỡng, bổ sung nguồn lực cho đội năng khiếu tỉnh.

jitsu-1699001642.jpg
Vận động viên Nguyễn Thế Anh giành huy chương vàng tại giải vô địch Jujitsu xuất sắc quốc gia năm 2023

Judo tỉnh Hậu Giang với thế mạnh nội dung quyền vẫn tập trung ưu tiên phát triển, giúp vận động viên ngày càng trở nên bình tĩnh, tự tin trong từng động tác biểu diễn. Đầu tháng 9 vừa qua, Judo Hậu Giang có 1 huấn luyện viên và 4 vận động viên được cử tham gia tập huấn tại Học viện Judo Kodokan Nhật Bản. Giúp cập nhật thêm nhiều kiến thức, phương pháp huấn luyện, kỹ thuật thi đấu của nội dung quyền. Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đáng nhớ, bản thân từng cá nhân sẽ học hỏi thêm nhiều hơn những kỹ năng chuyên môn cần thiết và hoàn thiện bản thân.

Ông Nguyễn Phước Hưng - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Hậu Giang - cho biết: “Sau giai đoạn khó khăn, bộ môn Judo và Jujitsu tỉnh đã dần đi vào ổn định, nề nếp theo đúng định hướng. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ nguồn lực để các vận động viên được phát huy tối đa năng lực bản thân và hướng tới những kết quả tốt hơn”.

Hồng Nhung (Báo Hậu Giang)