Thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nhà ở

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, mục đích của việc xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường…

6831-1679068008.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến các tổ chức, đơn vị, người dân chịu tác động để bảo đảm quy định trong luật rõ ràng, chi tiết, phù hợp với thực tiễn. Ảnh: VGP

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 21 diễn ra vào chiều 17/3. Đây là dự án luật quan trọng, tác động đến chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, có tầm ảnh hưởng lớn đến đông đảo người dân.

Sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành, công tác phát triển và quản lý nhà ở đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt là chính sách nhà ở xã hội đã giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị, hộ nghèo tại khu vực nông thôn tự tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh - xã hội của đất nước.

Tuy nhiên, sau gần 8 năm triển khai thực hiện Luật Nhà ở năm 2014, bên cạnh những kết quả đạt được, pháp luật nhà ở cũng đã xuất hiện những bất cập, hạn chế, tồn tại và cần được xem xét để xây dựng luật thay thế Luật Nhà ở năm 2014.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật về nhà ở

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho hay, mục đích của việc xây dựng Luật là nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường; sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.

Việc xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) trên nguyên tắc bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW và các đường lối, chủ trương của Đảng có liên quan để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội; bảo đảm kế thừa, ổn định của hệ thống pháp luật; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trong chính sách, pháp luật đã được chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014.

Đồng thời, bảo đảm giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến nhà ở như đất đai, đầu tư, xây dựng, tài chính, tín dụng; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, thiết lập công cụ kiểm soát quyền lực của cơ quan và người có thẩm quyền trong quản lý và phát triển nhà ở; tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong việc chăm lo nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp; luật hóa các quy định liên quan đến phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở đã chứng minh tính hiệu quả trong thực tiễn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính…

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cơ bản vẫn giữ nguyên phạm vi điều chỉnh, theo đó dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định sở hữu, phát triển, quản lý vận hành, sử dụng nhà ở, giao dịch về nhà ở và quản lý Nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.

Về bố cục và nội dung cơ bản của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), so với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật sửa đổi đã tăng hơn 13 điều; trong đó bãi bỏ 7 điều trong Luật hiện hành, giữ nguyên 47 điều; sửa đổi, bổ sung 104 điều; bổ sung mới 34 điều; luật hóa từ Nghị định 11 điều.

6832-1679068008.jpg
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 21. Ảnh: VGP

Tán thành với việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở theo Tờ trình của Chính phủ. Về cơ bản, các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật đã bảo đảm theo yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, cần hoàn thiện Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Báo cáo kinh nghiệm pháp luật quốc tế về nhà ở gắn với các chính sách mới trong dự thảo Luật...

Liên quan đến đối tượng được sở hữu nhà ở và hình thức được sở hữu tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài có các quyền của chủ sở hữu nhà ở cơ bản như công dân Việt Nam, trừ một số điều kiện về số lượng nhà, căn hộ, khu vực được phép sở hữu và thời hạn sở hữu.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, Điều 5 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thì người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất không bao gồm cá nhân là người nước ngoài. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo giải trình làm rõ nội dung này.

Về thời hạn sở hữu nhà chung cư, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, Chính phủ đề xuất bổ sung mới quy định về sở hữu nhà chung cư có thời hạn. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật không tán thành quy định mới về sở hữu nhà chung cư có thời hạn bởi chính sách này chưa nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ. Bên cạnh đó, kinh nghiệm pháp luật quốc tế về thời hạn sở hữu nhà chung cư cũng cho thấy không có nước nào áp dụng như đề xuất trong dự thảo Luật.

Liên quan đến chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, quy định về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh cơ bản kế thừa từ Luật hiện hành và đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với các quy định này nhưng đề nghị chỉnh lý chặt chẽ, phù hợp hơn.

Về bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo Luật. Tuy nhiên đề nghị quy định tỉ lệ phần trăm tối thiểu của tiền sử dụng đất của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành cho việc phát triển nhà ở xã hội, tránh việc các địa phương không bố trí thỏa đáng tiền sử dụng đất thu được cho nội dung này, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu chính sách.

Không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư

Thảo luận tại phiên họp, giá cao sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra đã xây dựng và chuẩn bị hồ sơ dự án Luật một cách hết sức nghiêm túc và trách nhiệm, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đóng góp nhiều ý kiến vào những vấn đề lớn của dự án Luật liên quan đến: Phạm vi điều chỉnh của Luật; tính thống nhất của dự án Luật với các luật có liên quan, các điều ước quốc tế; vấn đề về thời hạn sở hữu nhà chung cư; chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; sử dụng đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; chính sách phát triển nhà ở xã hội; công tác quản lý Nhà nước về nhà ở;…

Trước nhiều quan điểm, ý kiến phát biểu còn bày tỏ sự băn khoăn, e ngại về nội dung liên quan đến thời hạn sở hữu nhà chung cư, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, chung cư là công trình đặc thù, có nhiều người sử dụng, khi xuống cấp, hư hỏng sẽ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến an toàn tài sản, tính mạng của cư dân. Từ thực tế như vậy, Bộ Xây dựng mới đưa ra đề xuất quy định như trong dự thảo Luật.

Tuy nhiên, qua ý kiến của Ủy ban thẩm tra và qua các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của của người dân, đồng thời cũng bảo đảm được mục tiêu cải tạo chung cư cũ, bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong thời gian tới.

6833-1679068008.jpg
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ nghiêm túc rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, quy định rõ hơn để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của của người dân. Ảnh: VGP

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu thảo luận, kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở; hồ sơ, thủ tục, quy trình chuẩn bị dự án Luật đúng quy định, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, qua đó Chính phủ tiếp thu, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5.

Để tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến tại phiên họp, ý kiến các cơ quan tổ chức, nhân dân, trong đó lưu ý không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư, tuy nhiên cần có quy định cụ thể về việc Nhà nước có quyền quyết định, có trách nhiệm trong việc tổ chức di dời, sửa chữa, cải tạo với các nhà chung cư không còn an toàn để bảo đảm sức khỏe, an toàn của người dân.

Nếu Chính phủ có phương án khác thì cần trình hai phương án, nêu rõ ưu điểm, nhược điểm, trình bày một cách toàn diện, lập luận rõ ràng làm cơ sở để các đại biểu Quốc hội xem xét, cho ý kiến, quyết định.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để bảo đảm quy định của dự án Luật này phù hợp với các văn bản pháp luật liên quan, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và cả các luật đang được sửa cùng thời điểm, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi).

Các nội dung lớn của dự án Luật cần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với Nghị quyết 18 của Trung ương về đất đai, Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về quản lý phát triển đô thị, đặc biệt là trong các vấn đề như quyền sử dụng đất của cá nhân người nước ngoài, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, nhà ở cho lực lượng vũ trang, hình thức sử dụng đất để phát triển nhà ở thương mại, lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà ở, nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân…

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp chặt chẽ, tiếp tục rà soát, nghiên cứu, lấy ý kiến các tổ chức, đơn vị, người dân chịu tác động để bảo đảm quy định trong luật rõ ràng, chi tiết, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo sớm hoàn thiện, trình lại hồ sơ để tiến hành thẩm tra đúng theo quy định.

Nguyễn Hoàng